6/4/11

Các nhà khoa học nói gì về "quái vật khổng lồ biển Cát Bà"?


- Xung quanh thông tin về loài quái vật khổng lồ ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), giới khoa học đã đưa ra nhiều đánh giá, nhận định khác nhau. Phóng viên GĐ&XH đã ghi lại những ý kiến đó để bạn đọc cùng tham khảo.
GS Võ Quý, Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam: "Đại dương luôn chứa đựng nhiều bí ẩn bất ngờ"
GS Võ Quý
Đại dương luôn tồn tại những sinh vật có kích thước to lớn, nhưng đó có phải là loài rắn biển khổng lồ hay không thì chưa ai có thể khẳng định được.
Những thông tin mà tạp chí Forteantimes đưa, cùng những lời kể của các ngư dân ở Cát Bà, cũng có thể là chính xác 100%, con vật trước mắt họ đúng là rắn biển khổng lồ thật, nhưng có thể chỉ là đồn thổi, không chính xác. Để khẳng định thì rất cần sự kiểm chứng của khoa học.
Theo GS Võ Quý: Khoảng năm 1965, cũng có một chuyện tương tự, không chỉ báo trong nước mà báo nước ngoài cũng đã đăng tải. Hồi đó có tin một người dân Việt Nam đã bắt được một con rắn khổng lồ, đường kính thân rộng như chiếc bánh xe đạp. Bạn bè trong giới khoa học đã vội vàng tìm đến tôi để xin chia sẻ thông tin và mong muốn rằng nếu có thể tôi gửi cho họ một mẫu vật của con rắn khổng lồ ấy (vẩy, hoặc đốt xương).
Tôi đã tìm hiểu thì được biết, đúng là có một nông dân đã bắt được con rắn lớn, nhưng kích thước thì không như thông tin các nhà khoa học đã nhận được. Riêng loài rắn biển khổng lồ, tôi không phủ nhận những thông tin ấy, nhưng để tin rằng có hay không cần có sự thẩm định của khoa học.
Thiên nhiên vốn dĩ luôn chứa đựng những thứ bất ngờ, những chuyện không ai có thể ngờ tới, nhưng cũng có những chuyện rất đỗi bình thường, nhiều khi có sự ồn ào mọi người mới để ý tới. Ví như, trước đây ở Hà Nội đã rộ lên chuyện tại hồ Hoàn Kiếm có người đã bắt được một con cua có hình mặt người. Câu chuyện ấy đã kinh động đến cả... cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng đã mời tôi đến hỏi thực hư.
Tôi  đã nói rằng: với cua mặt người, ông có thể bắt cho thủ tướng xem cả trăm con, bởi trên mai cua hầu như con nào cũng có hình thù nhang nhác giống mặt người. Tự nhiên đã... ban cho mai cua hình dạng ấy, cộng thêm trí tưởng tượng của người xem (cố hình dung mặt người trên mai cua) thì đều thấy mặt người cả”.
Với thông tin về loài rắn biển khổng lồ ở Cát Bà, khoa học nên lưu tâm để nghiên cứu, giải thích cho rõ. Từ trước, khoa học đã phát hiện được nhiều điều kỳ bí của thiên nhiên mà ban đầu cũng chỉ dựa vào những thông tin ở dạng... đồn thổi.
“Về giả thiết, loài rắn biển trên là biến thể của loài ngư long tồn tại từ thời tiền sử - theo GS Võ Quý - cũng có phần nào cơ sở. Thực tế, khoa học không thể khẳng định nhiều loài động vật mà tổ tiên chúng đã bị tuyệt chủng cách đây cả mấy trăm triệu năm giờ không còn nữa nay còn đang tồn tại ở đâu đó trong thiên nhiên mà khoa học chưa phát hiện được, đặc biệt là với đại dương. Khoa học càng phát triển bao nhiêu thì sự phát hiện càng bất ngờ bấy nhiêu”.
PGS. TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam): “Khoa học nên đầu tư nghiên cứu”
PGS. TS Lê Xuân Cảnh
Theo PGS. TS Lê Xuân Cảnh thì mấy ngày qua ông đã theo dõi rất kỹ những bài viết trên Báo GĐ&XH. Đó là những thông tin lý thú, bổ ích không chỉ ông mà rất nhiều những nhà khoa học khác đều rất quan tâm.
Thực tế, cũng đã có nhiều thông tin về loài rắn biển khổng lồ này, nhưng về mặt khoa học thì chưa có tài liệu nào kiểm chứng, cũng chưa ai có mẫu khoa học như hình thái hay mẫu AND để phục vụ cho nghiên cứu. Chưa có nghiên cứu cụ thể thì chưa thể khẳng định chắc chắn rằng loài rắn biển khổng lồ là tồn tại hay không tồn tại. Bởi thế PGS. TS Lê Xuân Cảnh, không phủ định.
Theo ông: “Giả thiết nếu loài rắn biển trên có thật thì đó là điều vô cùng quý giá, bởi đó là điều mà từ trước tới nay khoa học chưa tìm ra được. Trong khoa học, 10 năm cuối của thế kỷ trước và những năm đầu của thế kỷ này có những loài sinh vật rất thông thường, đến khi ấy mới được phát hiện và mới có tên khoa học (dù nó tồn tại trong thiên nhiên từ lâu lắm rồi)... Do vậy, với những thông tin về loài rắn khổng lồ ở biển Cát Bà, sẽ hé mở một cơ sở nào đó cho khoa học đầu tư nghiên cứu”.
Qua Báo GĐ&XH, PGS. TS Lê Xuân Cảnh mong muốn các cơ quan như hàng không, vũ trụ, hàng hải... nếu có những thông tin hoặc hình ảnh liên quan đến loài rắn biển khổng lồ trên thì nên cung cấp, chia sẻ với giới khoa học để cùng làm sáng tỏ.
Còn nếu cho rằng loài rắn khổng lồ trên là thế hệ... con cháu của loài ngư long thời tiền sử thì cũng chỉ là giả thiết. Trong giới khoa học thì những giả thiết như vậy tồn tại rất nhiều...
Tiến sĩ Bùi Hồng Long, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang: “Rắn biển khổng lồ vẫn là bức màn bí ẩn”
“Từ trước đến nay, trên thế giới đã có rất nhiều thông tin về những loài động vật kỳ lạ, đặc  biệt. Chuyện về loài rắn biển khổng lồ, đó đây người ta cũng đã đề cập tới. Nhưng từ trước đến giờ, viện chưa có đề tài nghiên cứu nào về loài sinh vật dị thường này. Bởi thế, nó vẫn là một bức màn bí ẩn, cần khoa học nghiên cứu, kiểm chứng”.
GS. TSKH Trần Kiên, Phó Chủ tịch hội động vật Việt Nam: “Chuyện về rắn biển khổng lồ ở Việt Nam đã được đề cập từ năm 1946”
GS. TSKH Trần Kiên
Năm 1946, có một cuốn sách của một tác giả người Pháp đã nói rằng ở vịnh Hạ Long có xuất hiện loài rắn biển khổng lồ.
Theo GS: “Cuốn sách đó đã viết rất tỉ mỉ, mô tả kỹ lưỡng loài rắn trên. Nhưng, từ đó đến nay khoa học chưa tìm được một loài sinh vật biển nào có kích thước khổng lồ như vậy. Tôi cũng chưa thấy ai nhắc đến loài rắn đó trên hải phận Việt Nam nữa”.
GS. TSKH Trần Kiên khẳng định cho đến nay, với những công trình khoa học đáng tin cậy thì chưa có ai đề cập tới. Bởi thế, sự xuất hiện của loài rắn biển trên thế giới, kể cả ở biển Cát Bà vẫn là một câu hỏi, có thể có hoặc không, và đến giờ khoa học vẫn chưa có lời giải đáp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Admin

Thanks for joint