1/4/11

Không dò thấy nhịp tim vì quá "béo".


- Một người đàn ông ở Anh nặng hơn 200kg cuối cùng đã đưa ra quyết định giảm cân sau khi các bác sĩ không thể dò được nhịp tim của anh chỉ bởi anh quá béo.
 
 
Alan Belmont, 24 tuổi, ở Worcester, Anh, đã rất bàng hoàng khi nghe các bác sĩ nói rằng họ không thể tìm thấy nhịp tim của anh cho dù sử dụng ống nghe hay thậm chí cả máy siêu âm.
Các bác sĩ nói với Belmont rằng máy móc ở bệnh viện chưa đủ công suất để xuyên qua lớp mỡ dày của anh. Điều này khiến Belmont vô cùng “sốc” và buộc anh đi đến quyết định giảm cân.
Belmont tự đặt mục tiêu cho mình là phải giảm được 127kg - gần bằng một nửa trọng lượng cơ thể hiện tại của anh.
Anh tâm sự: “Gần đây tôi có đến bệnh viện. Các bác sĩ bảo rằng không thấy nhịp tim của tôi, lúc đó tôi tự nhủ mình giống như ‘người chết di động’ vậy. Thậm chí họ dùng máy siêu âm cũng không thấy, tôi rất xấu hổ. Điều đó đột nhiên tác động mạnh đến tôi, buộc tôi phải thay đổi cuộc đời và giảm cân”.
Belmont hiện đang thất nghiệp. Do bị bệnh hen suyễn từ nhỏ nên anh vẫn nhận được 267 bảng/tháng từ quỹ hỗ trợ trẻ tàn tật Disability Living Allowance.
Belmont đã nhờ người bạn học cũ của mình, Lloyd Bond - chuyên gia thể hình, giúp anh luyện tập thể lực hàng ngày với hi vọng có thể giảm được cân.

3o năm nữa Chúa sơn lâm sẽ biến mất.


Số lượng loài hổ sống trong tự nhiên ở Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 50 con và chúng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn và môi trường sống tự nhiên của chúng bị hủy hoại, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo trong một báo cáo mới đây. 

Mô tả ảnh.
Chỉ còn khoảng 20 con hổ Siberi tồn tại ở miền đông bắc và 20 con hổ Bengal ở vùng Tây Tạng của Trung Quốc.

"Nếu không có những biện pháp cấp thiết được đưa ra, loài hổ ở Trung Quốc sẽ sớm biến mất khỏi môi trường tự nhiên", ông Zhu Chunquan, giám đốc về đa dạng sinh học của WWF tại Trung Quốc, cảnh báo.

Ông Zhu cũng cho biết rằng chỉ còn khoảng 50 cá thể của các loài hổ tồn tại trong tự nhiên ở Trung Quốc, theo số liệu ước tính từ Cục Lâm nghiệp nhà nước Trung Quốc (SFA). Cụ thể, SFA cho biết chỉ còn khoảng 20 con hổ Siberi ở miền đông bắc và 20 con hổ Bengal tồn tại vùng Tây Tạng của Trung Quốc. Trong khi đó, loài hổ Đông Dương ở nước này chỉ còn 10 con.

Năm 1950, có khoảng 4000 con hổ sống tại miền nam Trung Quốc, nhưng do tình trạng phá rừng và săn bắn hổ để nấu cao, lông và cung cấp thịt cho các nhà hàng đặc sản, đã khiến số lượng loài hổ ở nước này bị suy giảm nghiêm trọng.

Mới đây, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên cũng đã liệt kê loài hổ vào danh sách 10 động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và cần được ưu tiên bảo vệ trong năm 2010. Theo ước tính của WWF, số lượng loài hổ ngoài tự nhiên trên thế giới chỉ còn khoảng 3.200 cá thể.

“Nếu nạn săn bắn và phá hoại môi trường sống của loài hổ vẫn tiếp diễn như hiện nay, WWF dự đoán chúa sơn lâm sẽ biến mất khỏi tự nhiên trên thế giới trong vòng 30 năm nữa”, ông Zhu lo ngại

Ra Côn Đảo xem rùa đẻ.


 4g chiều rời cầu cảng 914, chiếc thuyền câu nhỏ bé của chúng tôi bắt đầu vượt trùng khơi hướng tới dãy núi phía tây hòn Bảy Cạnh. Không lâu sau đó thuyền men theo núi tiếp tục ra cửa biển nhằm tránh những đợt sóng đang nhồi, giật từng cơn.

Rùa đang đẻ trứng
Anh Hoàng, tài công, nói: “Trong lúc biển động, người giàu kinh nghiệm thường lèo lái con thuyền chạy cặp theo đảo để núp gió nhưng nên tránh chạy quá gần bờ kẻo đụng phải đá ngầm, rạn san hô vốn là chiếc bẫy tiềm ẩn gây hiểm họa vỡ tàu”. Đến gần 6g, thuyền vòng qua hòn Bông Lan rồi nương con sóng tiến vào bãi Cát Lớn, nơi lực lượng kiểm lâm thuộc vườn quốc gia Côn Đảo chốt trạm để vừa quản lý rừng vừa bảo vệ môi trường sống cho các sinh vật trên đảo.
Thủy triều xuống dần, phơi bày những quần thể san hô tỏa khắp vùng vịnh. Xa xa, một bãi cát trắng mịn màng, thoai thoải uốn cong theo hình cánh cung nằm giữa đôi bờ là vách núi cheo leo. Cảnh vật nguyên sơ, tĩnh lặng. Rùa biển (Chelonia mydas) mà dân gian hay gọi rùa xanh, con vích... chọn hòn Bảy Cạnh này làm nơi hội tụ sinh sản. Ông Nguyễn Trường Giang - phó phòng khoa học và giáo dục môi trường vườn quốc gia Côn Đảo - kể: Trước năm 1975, rùa xanh ở Côn Đảo rất nhiều, tới mức chính quyền sở tại phải cử một bộ phận tù thường phạm ra hòn Bảy Cạnh, hằng ngày khai thác rùa làm thực phẩm.
Thậm chí, sau ngày đất nước giải phóng, hàng hóa khan hiếm, việc đi lại khó khăn, nhiều khi người ta dùng toàn thịt vích để chế biến đãi đằng đám cưới hoặc băm vằm cho heo gà ăn. Hiện nay, quần đảo Côn Sơn gồm 16 đảo thì hầu hết là khu vực rùa xanh, đồi mồi tìm về đẻ trứng. Thông thường, những lúc chuyển dạ, rùa xanh đào lỗ dưới vụn cát, còn giống đồi mồi lại sinh sản trên rạn san hô. Riêng bãi Cát Lớn, vào năm 2006 có hơn 100 rùa xanh sinh được 365 ổ, được xem là nhiều nhất so với hải đảo cả nước.
Lúc trời chạng vạng, Kiên - nhân viên kiểm lâm - nhắc tôi: “Thủy triều tối nay lên trễ, nên ngủ sớm dành sức rạng sáng xuống bãi khảo sát”. Nằm trên võng đong đưa nhưng tôi chẳng tài nào dỗ được giấc ngủ, cứ thao thức, trằn trọc với những dấu hỏi xoay quanh trong đầu: liệu các “nàng” rùa có trở về, khi ngoài kia trăng bắt đầu ló dạng lan tỏa muôn ngàn ánh sáng lấp lánh khắp mặt biển? Sự nghi ngại ấy cuối cùng cũng được giải tỏa khi Kiên lù lù xuất hiện bên đầu võng báo tin: “Thông báo lúc này có hai nàng rùa đang chậm chạp vượt qua rạn san hô chuẩn bị lên bãi”. Thì ra, tâm trạng của cậu ta cũng háo hức, mong đợi...
Rùa xanh chuẩn bị đào hố làm tổ
“Có đến ba nàng đã chọn được chỗ làm tổ” - Kiên thông báo sau khi lần theo những vết chân từ biển tỏa dần ra bãi cát ven rừng. Nếu không nhờ Kiên bật đèn đỏ soi rọi và chỉ từng vạt cát thỉnh thoảng bắn tung tóe phía trước mặt, tôi chẳng thể nào nhận dạng được ba rùa xanh to, đen kịt đang dùng cặp chi sau (tiếng địa phương gọi hai bơi sau) vừa gạt ngang, vừa xoắn xuống đất như hai cái thuổng bốc cát xây tổ. Hai nàng ngẫu nhiên chọn địa điểm dưới đám cây Hòe Lông, nằm ở vị trí cao ráo, khuất gió, khá xa sóng biển. Còn nàng thứ ba làm tổ giữa đụn cát lộ thiên, nơi có nguy cơ sẽ bị còng, cua, kỳ đà... đào bới phá tổ.
Công việc di dời chỗ đẻ cho nàng này là nhiệm vụ rất vất vả, mất khá nhiều thời gian bởi nhân viên phải thực hiện qui trình lấy trứng, chuyển sang bãi ấp nhân tạo trong vòng hai giờ lúc rùa đang “say sưa” đẻ. Ông Nguyễn Trường Giang giải thích: “Rùa xanh là sinh vật biển hiền lành, nhạy cảm. Chúng bắt đầu trưởng thành từ 35 tuổi. Đến mùa sinh sản các cá thể sẽ di cư về nơi “chôn nhau cắt rốn” để làm tổ. Chúng kết đôi với rùa đực ở trước các bãi mà chúng sinh đẻ. Trước thời điểm chuyển dạ hai ngày, phôi trứng tạm ngưng phát triển và hoạt động trở lại sau khi trứng đã ra đời 2-6 giờ. Vì vậy, di dời ngay lúc mới sinh sản không sợ va chạm làm rách phôi”.
Đầu tiên là chờ đợi rùa đào bới hoàn thành tổ đẻ có chiều sâu chừng 40cm... Mọi can thiệp hoặc sử dụng đèn trắng để theo dõi lúc này đều phải né tránh vì dễ gây cho “nàng” hoảng sợ, quay trở về đại dương. Tiếp theo, dùng đèn đỏ xem phía sau đuôi rùa, chờ cho đến khi những quả trứng giống hệt trái bóng bàn lần lượt rơi xuống tổ. Bây giờ là lúc “ông mụ” dùng hai tay từ từ gạt cát mở rộng tổ và nhẹ nhàng thận trọng lấy từng quả trứng chuyền qua sọt nhựa. Tối kỵ là không được vô ý chạm tay vào bộ phận sinh sản vốn là nơi rất nhạy cảm khiến rùa tức khắc... nín đẻ. Trong khi đó, rùa mẹ càng lúc càng xuống sức. Mỗi lần trứng rơi là một lần tiếng thở dốc khò khè nổi lên đồng thời ánh mắt rươm rướm, long lanh như mới rơi nước mắt.
Biết là rùa đẻ sai trứng, nhưng tôi cũng hoàn toàn bất ngờ khi đếm được 102 quả, kết quả của hơn giờ đồng hồ người và sinh vật phải tận lực. Nhìn sang rùa mẹ, nay đã kiệt sức đến mức nằm yên bất động, thỉnh thoảng hai bơi sau theo quán tính cứ gạt cát về phía tổ. Chắc chắn từ đây đến rạng sáng nó vẫn tiếp tục làm tròn thiên chức của người mẹ là lấp ổ, nghi trang đề phòng kẻ thù xâm nhập, cho dù có biết hay không hiện tại trong tổ chẳng còn quả trứng nào. Còn Kiên thì đang hoàn tất công đoạn cuối cùng là đo kích thước mai rùa rồi lật hai chi trước xem thẻ, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của cá thể rùa.

Rùa con về biển
Trong suốt mười năm qua vườn quốc gia Côn Đảo đã bấm thẻ cho trên 2.000 rùa trưởng thành nhằm kiểm tra vòng đời, số lần sinh sản một cách hệ thống theo mạng lưới bảo tồn rùa biển ASEAN. Hơn thế nữa, thẻ còn giúp các nhà bảo vệ sinh vật biển nghiên cứu vùng tìm thức ăn, đặc điểm sinh vật học từng cá thể rùa và khả năng tăng, giảm số lượng đàn tại vùng biển Côn Sơn.
Cứ tưởng rằng đêm nay chỉ có ba “nàng” chuyển dạ, ngờ đâu lúc đi xuống cuối bãi, chúng tôi phát hiện thêm một “nàng” rùa nằm yên lặng ngay bờ biển, cách mép nước biển chưa đầy 2m. Kiên lẩm bẩm: Không biết nghĩ sao mà “bà” này lại chọn đúng chỗ triều cường để làm tổ vì thủy triều dâng cao, nước biển tràn ngập, trứng sẽ bị hỏng.
Kiểm tra chốc lát, bỗng nhiên Kiên thốt lên: “Nó bị lưới cắt ở bơi trước nên không còn sức bò tiếp lên bãi cát, ngoài ra dựa vào thẻ đeo chúng tôi bấm cách 13 ngày thì đây là lần thứ hai “bà” này có mặt tại bãi Cạnh”. Trong mùa tính từ tháng tư đến tháng mười một, rùa mẹ đẻ vài ba lần hoặc nhiều hơn, mỗi lần trung bình được 90 trứng và khoảng cách giữa hai lần đẻ thường 12, 13 ngày. Với trường hợp nàng rùa bị thương, chúng tôi đành phải phá lệ, dùng sức đùn đẩy chiếc mai nặng trên trăm ký về phía trước hầu tránh khỏi những đợt sóng biển ngày càng gần kề.
Chuyện rùa xanh gặp sự cố ở bãi Cát Lớn là việc không hiếm. Bởi lẽ, trông nó có vẻ thảnh thơi, nhẹ nhàng, uyển chuyển lúc bơi dưới nước thì ngược lại những lúc di chuyển trên bờ rùa xanh luôn gặp khó khăn do thân xác nặng nề, vụng về. Chưa kể địa hình có khá nhiều chướng ngại vật từ rạn san hô ngầm, những ghềnh đá lởm chởm, rễ cây chằng chịt... Tất cả đều là họa vô đơn chí nếu rùa vô tình đi qua giống như cảnh ngộ một nàng rùa bị giam lỏng suốt đêm giữa bộ rễ cây chằng chịt mà chúng tôi phát hiện rạng sáng hôm nay. Và cũng nhờ ánh sáng ban ngày chúng tôi mới thấy rõ ràng trên bề mặt vụn san hô cuối bãi, bị xới lên nham nhở, dấu hiệu con rùa nào đó đêm qua chẳng may mắc cạn, vùng vẫy tìm lối thoát.
Giữa trưa, gặp Kiên đang thả lứa rùa con sau 57 ngày ấp trên bãi nhân tạo. Từng nhóm, từng nhóm năm bảy chú cứ thế lần lượt được chuyển nhẹ nhàng từ sọt nhựa ra bãi cát. Chúng nghếch đầu nghe ngóng rồi đồng loạt bò lăng quăng xuống biển và nhanh chóng hòa mình vào sóng triều dâng.
Dường như bản năng bảo chúng rằng: biển cả là quê hương mà cả vòng đời của nó phải luôn gắn bó. Đây là khoảng thời gian rùa con sẽ đối mặt với nhiều bất trắc, rủi ro nhất và cơ may sinh tồn là rất hiếm, vì bất kể lúc nào nó cũng có thể trở thành nguồn thức ăn cho sinh vật khác. Nhiều người suy nghĩ: thật nghịch lý khi bỏ biết bao tài lực, thời gian bảo vệ chăm sóc chúng nhằm thoát khỏi nguy cơ trên bờ tuyệt chủng nhưng cuối cùng nó vẫn hoàn toàn biến mất. Hoặc ý kiến khác: nên chăng hãy nuôi sống chúng đến lúc đủ sức tự bảo vệ.
Tuy nhiên, mọi việc chẳng đơn giản chút nào. Theo ông Nguyễn Trường Giang, việc nuôi dưỡng rùa con dù một vài năm vẫn khiến nó mất tính tự chủ, xáo trộn tập tính và sinh lý. Mặt khác, lúc rùa nhuốm bệnh, mầm bệnh lây lan, phát tán rất cao. Hơn thế nữa, nếu dùng kinh phí tài trợ các quốc gia đang cần bảo tồn giống rùa, sinh vật biển, xét cho cùng vẫn hiệu quả hơn nhiều so với trực tiếp nuôi dưỡng. Chưa kể, thiếu nó nguồn thức ăn trong đại dương sẽ bị cạn kiệt.

Bấm thẻ cho những rùa xanh lần đầu tiên lên bãi đẻ trứngKiểm tra thẻ đeo trên hai bơi trước
Lấy trứng trong lúc rùa đang say đẻChuyển trứng lên bãi ấp nhân tạo

Bí ẩn đời sống ở nơi hoang dã nhất quả đất.


Trên 80% loài thực vật và hơn 90% loài động vật trú ngụ ở Madagascar không thể tìm thấy được tại bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh này. Đó là lý do cái tên miền đất ấy thôi thúc hành động của biết bao người ham mê khám phá.
Bí mật lớn mà ai cũng tò mò về Madagascar là làm thế nào miền đất này lại dung dưỡng được những giống loài độc đáo đó? Một nghiên cứu mới được đưa trên tạp chí Nature đã cung cấp những bằng chứng mạnh mẽ đánh dấu sự trở lại của thuyết cho rằng những động vật có vú thời cổ đại ở Madagascar đã bị cuốn đi hàng trăm kilomet dọc lục địa Châu Phi, bám chặt vào thảm thực vật đang trôi.

Vượn cáo


Mô hình điện toán khí hậu
Và số này bao gồm hầu hết cư dân nổi tiếng nhất của Madagascar: loài vượn cáo, một loại động vật linh trưởng – giống như con người – nhưng khác với bất kỳ một loài linh trưởng nào khác trên thế giới.
Sử dụng những mô hình điện toán về khí hậu để khôi phục các luồng đại dương thời cổ đại, Jason Ali từ Đại học Hong Kong và Mathew Huber từ Đại học Perdue của Hoa Kỳ, đã chứng minh rằng trong khoảng thời gian vượn cáo được cho là cập Madagascar (khoảng 60 triệu năm trước), đã có những luồng chảy đưa bề mặt đại dương từ phía bắc Mozambique về phía đông tới Madagascar, đẩy luồng đại dương về ngả ngược lại, một sự thay đổi dần dần định vị Madagascar về phía bắc như hiện tại.
Ali và Huber phát hiện ra là trong 3 hoặc 4 tuần mỗi thế kỷ, luồng nước về phía đông đủ mạnh để đẩy một khúc gỗ từ Mozambique tới Madagascar trong vòng một tháng. Một động vật có vú nhỏ, như vượn cáo cổ đại, hoàn toàn có thể bám chặt vào khúc gỗ đó và sống sót được trong khoảng thời gian và quãng đường dài như vậy.

Một bữa ăn của sư tử

Có lẽ không chắc chắn lắm, nhưng các nghiên cứu về di truyền học đã đưa ra giả thuyết rằng những công cuộc thuộc địa hóa đã đưa tất cả tổ tiên của loài động vật có vú tới Madagascar, bao gồm động vật ăn thịt/cây ăn sâu bọ, loài gặm nhấm và loài vật kinh hoàng sống thành bầy là nhím Madagascar (động vật ăn côn trùng, có mũi dài). Và trải qua mấy chục triệu năm, điều đó dĩ nhiên trở thành có thể. 


Nhím Madagascar
Bằng chứng mới này đã chống lại những thuyết khác cho rằng các loài động vật của Madagascar đã đi tới đây theo dải đất nối liền các lục địa. Lý thuyết khác này không giải thích tại sao những động vật Châu Phi khác, bao gồm nhiều nhóm có thân hình to lớn như linh dương, voi và khỉ hình người lại không đi theo cách như vậy tới Madagascar.
Phát hiện này không chỉ giúp chúng ta hiểu được rằng đời sống hoang dã tuyệt vời của Madagascar đã được tiến hóa ra sao, mà còn cho loài người hiểu một điều nữa: sinh vật học có thể kể cho chúng ta câu chuyện về khoa địa chất của Trái đất.

Bơi cùng hàng ngàn con cá đuối độc.


Thợ lặn nghiệp dư Gary Larter đã có một hành trình thú vị dưới đáy biển Mexico khi bơi cùng hàng ngàn con cá đuối chứa nọc độc ở đuôi.
Người chuyên tìm kiếm những sinh vật bí ẩn dưới nước đã không bỏ lỡ cơ hội được tiếp xúc với chúng khi phát hiện ra đàn cá đuối lớn đang di chuyển dọc theo đoạn đường dài 150 m ven bờ biển Baja California của Mexico. Tuy nhiên, anh chỉ có thể tiến lại gần chúng trong vài phút trước khi bị chúng bỏ lại phía sau.

Cuộc hội ngộ ấn tượng với hàng ngàn con cá đuối dưới biển Mexico của Gary.
Cá đuối Mobula có đuôi chứa độc giống cá đuối gai độc nhưng đuôi của chúng lại không có gai.  Chúng thường ăn sinh vật phù du và bơi lang thang săn mồi ở biển Thái Bình Dương. Cá đuối Mobula thích đi theo đàn lớn để tránh kẻ thù.
Gary hiện đang thực hiện dự án chụp ảnh và quay phim về đời sống dưới nước. Anh khởi hành rời Los Angeles từ tháng 1 năm 2011 và dừng chân đầu tiên tại Mexico.

Đàn cá nhanh chóng bỏ xa Gary.
Tại đây, đoàn của anh đã may mắn được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục trên. Nhóm dự kiến sẽ có hành trình 3.000 dặm xuyên qua Thái Bình Dương tới tận nước Pháp.

Cú nhảy hoàn mỹ của một con cá đuối.

Cá vây tay hiện đại ở Indonesia.


Ngày 17-11, các nhà nghiên cứu đại dương Nhật Bản công bố tìm thấy và quay phim thành công một con cá vây tay hiện đại nhỏ dưới đáy biển sâu Indonesia. Đây là loài cá hiếm được biết với tên gọi "hóa thạch sống".
Theo các nhà nghiên cứu, "bé cá" vây tay hiện đại này được phát hiện hôm 6-10 tại độ sâu 161m ở vịnh Manado, đảo Sulawesi, Indonesia.
Đoạn phim cho thấy cá vây tay nhỏ dài 31,5cm, cơ thể có màu xanh với các đốm trắng bơi chậm giữa các khối đá trên đáy biển khoảng 20 phút.
“Theo chúng tôi biết, đây là lần đầu tiên cá vây tay còn sống được ghi hình. Nó còn ẩn chứa nhiều bí ẩn chúng tôi chưa khám phá hết” - nhà nghiên cứu Masamitsu Iwata công tác tại Viện bảo tàng hải dương học ở thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima, Nhật Bản nói.
Các nhà khoa học đã sử dụng thiết bị lặn biển điều khiển từ xa để quay phim "bé cá", họ hy vọng khám phá này sẽ làm sáng tỏ môi trường sống và thói quen sinh sản của cá vây tay hiện đại.
Cá vây tay (Coelacanth), có tên khoa học Latimeria chalumnae, được cho là đã tuyệt chủng vào kỷ Crêta. Những hóa thạch của chúng được tìm thấy ở tất cả các châu lục, trừ Nam cực, nhưng sự phân bố loài cá đặc biệt này không rõ ràng.

Nhưng sau đó, giới khoa học xôn xao khi vào năm 1938, một người đánh cá bắt được một con cá vây tay ngoài khơi bờ biển Nam Phi, vì thế nó còn được gọi là “hóa thạch sống”. Mãi cho tới gần đây, cá vây tay hiện đại vẫn chỉ được biết đang sống ở ngoài khơi Comoro, một quần đảo nhỏ nằm trong eo biển Mozambique, đông bắc Madagascar.
Cá vây tay trưởng thành có thể đạt chiều dài tới 2m, trọng lượng khoảng 90kg. Loài cá hiếm này được phân loại trong nhóm Cực kỳ Nguy cấp (Critically Endangered - CE) trong Sách đỏ năm 2007 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và được liệt kê trong Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật có nguy cơ bị đe dọa (CITES). Cá vây tay cái giữ trứng phát triển trong bụng và đẻ con.
Theo ARKIVE

Phim "Nước mắt bào thai".


Ở một vùng đất có tới hơn 80% dân số theo đạo Phật như cố đô Huế, xưa nay thịt trâu cũng được kiêng cữ, nên video clip Nước mắt bào thai của nhóm học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế) sau khi phát tán trên mạng đã gây sốc trong dư luận.
Nhóm làm phim nói gì?

Bộ phim đã đoạt giải nhì Liên hoan phim toàn quốc dành cho học sinh VN lần thứ 3 do Đại sứ quán Nhật Bản tại VN tổ chức. Nhóm làm phim Nước mắt bào thai gồm Hoàng Hữu Phước (lớp 12B5), Nguyễn Thị Hồng Liên (lớp 12B6) và Trần Hồ Mỹ Lam (lớp 11A4). Bộ phim dài 3 phút với kết cấu hình ảnh chủ đạo là con trâu đang mang thai, rồi bị con người giết, và lấy chính bào thai mà nó đang mang để phục vụ lại những người phụ nữ đang mang thai.
Sau khi video clip được post lên mạng và được nhiều trang mạng khác dẫn lại, đã tạo ra một cú sốc lớn trong dư luận, nhất là chi tiết các bà bầu sử dụng bào thai làm thực phẩm bồi bổ đã làm nhiều người rùng mình, đặt câu hỏi: Tại sao ở một vùng đất mà cả thịt trâu cũng được kiêng cữ như cố đô Huế, lại có trào lưu xã hội ghê rợn như thế?
Em Hoàng Hữu Phước, thành viên chính của nhóm, cho biết: Ý tưởng của bộ phim hình thành khi một lần trên đường đi học, qua cầu Bạch Yến thì thấy cảnh mua bán bào thai động vật đang diễn ra nên nhóm đã chọn hình ảnh này để viết kịch bản cho bộ phim và đặt luôn nhan đề là Nước mắt bào thai. “Phụ nữ mang thai đều mong muốn con mình sinh ra khỏe mạnh nên họ rất muốn ăn bào thai động vật để bổ thai. Mọi sinh linh đều có sự sống và chúng cần được sống. Chúng em không phản đối chuyện ăn động vật, nhưng kịch liệt phản đối chuyện những người phụ nữ mang thai dùng bào thai động vật để bồi bổ thai mình", Phước nói.
Trong quá trình thực hiện bộ phim, nhóm đã vào lò mổ và quay được hình ảnh đang mổ một con trâu đang mang thai; hình ảnh mua bán bào thai mà các em đã nhìn thấy... là có thật. Riêng, hình ảnh chiếc nồi ninh bào thai đang sôi sùng sục, rồi người phụ nữ mang thai đang bưng "bát canh bổ thai" và đứa bé nằm khóc trong nôi là những hình ảnh do các em xây dựng, nhân vật (bà mẹ mang thai và em bé xuất hiện trong phim) là diễn viên...
Thâm nhập “lò mổ” trong phim
Để tìm hiểu sự thật về trào lưu “bồi bổ thai bằng bào thai động vật” như các em xây dựng trên phim, PV Thanh Niên đã bí mật thâm nhập lò mổ của Trung tâm Giết mổ gia súc bắc Sông Hương, phường Hương Sơ, TP Huế, thuộc Công ty cổ phần nông ngư súc sản Huế, nơi nhóm làm phim đã thực hiện cảnh quay. Thức suốt gần một đêm trắng quan sát, chúng tôi vẫn chưa chứng kiến được cảnh mổ lấy bào thai nào.
Ông Hồ Xuân Cường, Giám đốc công ty này bức xúc: "Trước đó, khi các em đến liên hệ để quay phim, có giấy giới thiệu của nhà trường, tôi đã tạo điều kiện cho các em hoàn thành công việc. Thế nhưng, sau khi xem video clip phát trên mạng, tôi thực sự ghê sợ bởi những ý tưởng trong phim mà các học sinh này đã xây dựng nên. Sự thật là có beo (tức bào thai - PV) trong quá trình giết mổ trâu, bò. Nhưng đó chỉ là chuyện vô tình, thỉnh thoảng mới gặp một lần, chứ làm chi có chuyện mua bán hay dùng sản phẩm này để bổ thai cho các chị em như đoạn video clip mô tả”.
Theo số liệu cập nhật qua sổ sách, trung bình mỗi ngày trung tâm này giết mổ khoảng 30 - 40 con trâu, bò. Ông Cường cho biết: “Lâu lâu mới gặp một bào thai (chủ yếu là bào thai bò). Khi các em vào quay gặp đúng ngày mổ đụng bào thai, nên mới có những hình ảnh trên. Nếu một bào thai trâu, bò mà bán ra với giá khoảng từ 2 - 3 triệu đồng thì còn có chuyện đó vì hám lợi mà làm, đằng này khi gặp còn phải đem chôn, thậm chí mua hương chuối về cúng trừ xui thì ai dám làm, nhất là người Huế, vùng đất rất tâm linh này. Khi người mua mua một đàn bò, hay trâu, thì họ cứ áp giá cả đàn rồi mua, không may gặp con đang mang thai thì cũng phải giết mổ, chứ biết làm sao”.
Ông Phạm Chữ, một thợ mổ, nói: “Lâu lâu mới gặp một lần nhưng gặp phải thì xui lắm. Khi mổ một con mà trong bụng có bào thai, những người như chúng tôi cũng buộc vào thế phải làm chứ không phải là cố tình”.
Chúng tôi cũng tìm đến chân cầu Bạch Yến, nơi mà các em đã chứng kiến cảnh mua bán bào thai để nảy sinh ý tưởng làm phim. Người phụ nữ bán bánh mì bên chân cầu, phía đường Tăng Bạt Hổ, cho biết: Thực tình thì “beo” không được bày bán công khai mà được cung cấp qua điện thoại nếu có nhu cầu. "Ít người hỏi mua lắm. Mà beo cũng có nhiều đâu mà bán công khai, lâu lâu mới có 1, 2 con chi đó thôi. Beo chủ yếu là dùng cho những người già cần nhiều dinh dưỡng cho cơ thể, chứ phụ nữ mang thai dùng để bổ thai thì chưa thấy, mà chẳng có người mẹ nào đang mang thai lại ăn uống thiếu nhân tính thế đâu", người phụ nữ cho biết.
Một số phụ nữ mang thai khi được hỏi liệu họ có dám ăn bào thai động vật để bổ thai mình hay không, đều phản ứng gay gắt, quyết liệt. Đa số họ đều cho rằng, một người mẹ khi mang thai, họ đều muốn làm điều thiện để mong sinh con ra được khỏe mạnh, hiếu thuận. Người Huế quan niệm, khi mang thai, những hành động từ cách ăn uống, nói năng, đi lại của người mẹ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và tâm tính của con sau này. Vì thế, chuyện tẩm bổ bằng bào thai trâu bò với họ quả là chuyện xa lạ, quá rùng rợn.


Chuyện giết mổ gia súc thỉnh thoảng gặp phải những con trâu, bò đang mang thai là có thật và đó thực sự cũng chỉ là chuyện tình cờ ngoài ý muốn. Thực sự, ở Huế không hề có trào lưu “dùng bào thai để bồi bổ cho các bà mẹ mang thai” thành một hiện tượng xã hội phổ biến như phim Nước mắt bào thai đã mô tả. Với mong muốn chuyển tải thông điệp “mọi sinh linh đều có quyền thấy ánh sáng mặt trời” các em đã xây dựng nên bộ phim ngắn, về mặt ý tưởng và công sức thực hiện này là điều đáng trân trọng, nhưng thực tế trên phim các em đã quá đà, gây phản cảm và bức xúc không chỉ đối với người dân xứ Huế.
Đáng nói là sau khi đoạt giải nhì tại VN, được một số trang mạng ca ngợi, bộ phim ngắn này còn được các em đưa sang Nhật, tham dự một liên hoan phim quốc tế dành cho học sinh. Thế giới sẽ nghĩ gì về đất nước và con người VN qua đoạn phim này?

Hàng nghìn sinh vật dưới đáy đại dương mới được phát hiện.


Các nhà khoa học cho hay, biển sâu tối tăm là nơi sinh sống của hàng nghìn sinh vật, nhiều trong số này chưa từng được con người biết đến.
Sử dụng các camera ròng dây xuống vùng nước sâu, thiết bị định vị dưới nước và các công nghệ khác, các nhà khoa học đã phát hiện khoảng 17.650 sinh vật sống ở độ sâu trên 200m - nơi ánh sáng mặt trời không thể xuyên xuống. Con số này bao gồm 5.722 loài sống ở độ sâu trên 1.000m.
Công bố trên đây là bản cập nhật mới nhất từ dự án nghiên cứu về các sinh vật biển mang tên Census of Marine Life (tạm dịch: Cuộc điều tra dân số đời sống biển) nhằm khảo sát “dân số” của biển. Cho tới nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện khoảng 5.600 loài mới, ngoài tổng số 230.000 loài sinh vật biển từng được biết tới.

Các nhà khoa học hi vọng họ có thể công bố khoảng 1 triệu hoặc hơn 1 triệu các loài sinh vật biển chưa được biết tới đến tháng 10/2010 khi dự án Census of Marine Life kết thúc. Trên cạn, các nhà sinh vật học cho tới nay đã thống kê khoảng 1,5 triệu động vật và thực vật.

“Cho tới tận gần đây, vùng biển sâu vẫn bị xem là sa mạc. Vì thế, thật ngạc nhiên khi thống kê được gần 20.000 sinh vật sống ở vùng biển đó. Biển sâu là môi trường được thăm dò muộn nhất trên trái đất”, Jesse Ausubel, một nhà tài trợ của dự án, nhật xét.
Trong số những sinh vật mới được phát hiện có hơn 40 loài san hô, gần 500 loài từ sinh vật đơn bào cho tới những loài mực lớn. Quan trọng không kém là 170 loài sinh vật mới lấy chất dinh dưỡng từ các hóa chất phun ra từ những ống phun dưới đáy biển.
Dự án Census of Marine Life khởi động năm 2000 và kéo dài 10 năm. Hơn 2.000 nhà khoa học từ hơn 80 quốc gia trên thế giới đang tham gia dự án này.
 
Một số sinh vật biển lạ mới được ghi nhận:
 
 
Một loại dưa biển trong suốt.
 
Bạch tuộc có hai vây giống tai voi.
 

Một loài cá cực hiếm.


Một loài giáp xác chân kiếm.


Phát hiện loài tắc kè sống trong miệng rắn.


Các nhà khoa học Mỹ tìm thấy một loài tắc kè hoa sống trong miệng rắn tại châu Phi.
Telegraph cho biết, tiến sĩ Andrew Marshall, giáo sư khảo sát số lượng loài thuộc khoa Môi trường của Đại học York (Mỹ), tới rừng Magombera tại Tanzania để khỉ ở đây. Trong quá trình nghiên cứu ông nhìn thấy một con rắn twig – loài rắn có đuôi dài, đầu dẹt và mũi nhọn. Nghe thấy tiếng động con rắn chạy trốn. Trong lúc chạy nó há mồm và một con tắc kè hoa nhỏ xíu nhảy ra trước sự sửng sốt của Marshall.
“Tôi vẫn kịp chụp mấy bức ảnh dù con rắn chạy rất nhanh. Khi tôi cho một chuyên gia bò sát tại Tanzania, ông ấy khẳng định đó là một loài tắc kè hoa chưa từng được biết tới”, vị tiến sĩ kể.
Ngay sau đó một đồng nghiệp của Marshall nhìn thấy một con tắc kè hoa thứ hai trong miệng rắn ở một địa điểm cách vị trí của ông khoảng 10 km.
Loài tắc kè hoa nhỏ xíu sống trong miệng rắn mới được phát hiện. Ảnh:
Loài tắc kè hoa nhỏ xíu sống trong miệng rắn mới được phát hiện. Ảnh: Telegraph.
“Tôi đã làm việc ở Tanzania khoảng 11 năm và từng phát hiện nhiều loài thực vật mới. Nhưng cảm giác khi tìm thấy một loài động vật có xương sống rất đặc biệt. Rõ ràng con tắc kè ngụy trang rất khéo nên các loài động vật khác rất khó phát hiện chúng”, Marshall tâm sự.
Loài tắc kè hoa mới – có kích thước cơ thể đủ nhỏ để nằm gọn trong lòng bàn tay – được đặt tên làKinyongia magomberae. Các nhà khoa học đã thông báo phát hiện của họ trên tạp chí Herpetology.
Tắc kè hoa là nhóm bò sát ngụy trang rất giỏi nhờ khả năng biến màu. Sự thay đổi màu da của chúng diễn ra rất nhanh (chỉ trong vài giây). Khi môi trường sinh tồn của chúng như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm có sự thay đổi hay do sợ hãi, tế bào sắc tố trong da của chúng sẽ dịch chuyển, dẫn đến sự thay đổi về màu sắc. Theo Telegraph, trung bình mỗi năm có hai loài tắc kè hoa mới được phát hiện.

Bí mật gà cổ rắn.


Chiếc cổ dài và không lông của gà cổ rắn là hậu quả của một biến đổi gene ngẫu nhiên, một nghiên cứu cho thấy. Gà cổ rắn (hay gà Transylvania) là một nòi gà sở hữu chiếc cổ dài và không có lông. Chúng có nguồn gốc từ Hungary.
Trước đây người ta từng nhầm tưởng chúng là sản phẩm lai giữa gà thường và gà tây. Ngày nay gà cổ rắn khá phổ biến ở châu Âu, song tại châu Mỹ số lượng của chúng khá thấp. Chiếc cổ không lông là một tính trạng trội do một gene điều khiển và có thể được truyền sang nòi gà khác, song những con thừa hưởng tính trạng ấy là gà lai, chứ không phải gà cổ rắn đích thực.
Denis Headon, một nhà sinh học tiến hóa của Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh tại Scotland, phân tích ADN của gà cổ rắn để tìm hiểu bản chất về chiếc cổ của chúng. Ông và các cộng sự phát hiện ra rằng tính trạng không lông trên cổ là kết quả của một đột biến gene ngẫu nhiên. Đột biến này khiến cơ thể gà sản xuất quá nhiều BMP12 – một loại phân tử ngăn chặn sự phát triển của lông. Nó xuất hiện lần đầu tiên ở gà nuôi tại miền bắc Romani từ vài trăm năm trước, National Geographic cho biết.
Khi nhóm nghiên cứu đưa các phân tử BMP12 vào phôi gà thường trong phòng thí nghiệm, chúng cũng không có lông trên cổ khi chúng lớn. Như vậy cổ là bộ phận nhạy cảm nhất đối với BMP12.
Tiếp tục phân tích ADN, các chuyên gia phát hiện một axit có nguồn gốc từ da trên cổ gà cổ rắn. Axit này làm tăng khả năng hoạt động của BMP12, khiến lông không thể mọc.
Phần lớn đột biến gene mang đến tác động xấu đối với động vật, song đột biến gene ở gà cổ rắn lại mang đến nhiều lợi ích cho chúng. Trên thực tế gà cổ rắn nổi tiếng khắp thế giới do chúng có khả năng chịu nhiệt tốt hơn, có trọng lượng cơ thể lớn hơn và đẻ nhiều trứng hơn so với các nòi gà khác. Những ưu thế này rất quan trọng đối với hoạt động chăn nuôi gà ở các nước có khí hậu nóng như Mexico.
Gà cổ rắn cũng không phải nòi gà duy nhất không có lông trên cổ.
“Chúng tôi nghĩ cổ của mọi loài gà đều có xu hướng mất lông. Nếu một đột biến gene làm tăng số lượng phân tử BMP12 trong da, cổ sẽ là bộ phận đầu tiên mất lông”, Headon nói.
Chẳng hạn, trong tự nhiên, đà điểu và cò không có lông ở cổ để chống nóng ở bộ phận này. Giới khoa học chưa biết liệu BMP12 có phải là thủ phạm khiến cổ chúng không có lông.
“Quá trình tiến hóa khiến các loài gia cầm mất lông một cách dễ dàng nếu chúng sống trong môi trường nóng và kích thước cơ thể của chúng lớn”, Headon nhận định.


Loài cóc mắt trắng mới phát hiện.


Loài cóc mới phát hiện. Ảnh Trần thị Anh Đào, Đại học KHTN TP.HCM
Loài cóc mới phát hiện. Ảnh Trần thị Anh Đào, Đại học KHTN TP.HCM
Các nhà khoa học Úc và Việt Nam vừa phát hiện loài cóc mày mắt trắng Leptobrachium leucops trên tạp chí Zootaxa 2804: 25–40 (2011).
Loài cóc được phát hiện ở khu rừng thường xanh, ở độ cao khoảng 1558 - 1900 m, trên cao nguyên Langbian, thuộc ranh giới giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa.Leptobrachium leucops có cơ thể khá mập mạp, hơi thon về phía hông. Đầu rộng và dẹp (chiều dài và chiều rộng gần bàng nhau); mõm tròn (theo hướng lưng bụng) và dốc nghiêng (theo hướng mặt bên), có chiều dài gần bằng với đường kính mắt; mũi gần mõm hơn gần mắt; mắt to, hơi nhô, khoảng cách giữa 2 mắt gần bằng với chiều rộng của mí mắt; màng nhĩ không thấy rõ, tròn.
Da lưng trơn láng với mạng lưới nếp da mảnh, phía sau lưng có các hạt nhỏ, đặc biệt là vùng gần hậu môn; nếp trên màng nhĩ kéo dài từ sau mắt tới vai; bụng có hạt, mặt bụng của các ngón trơn láng; tuyến nách tròn, nằm ở phía hông bụng, hơi phía sau vị trí nách; tuyến đùi rõ, tròn nằm ở mặt sau đùi, khoảng giữa đầu gối và hậu môn.
Lưng cóc có màu xám sậm, với các vệt hình chữ Y mầu nâu sậm, kéo dài từ phía trên mí mắt tới phần sau của lưng, có viền màu kem, với các vệt nhỏ hơn, có hình dạng không nhất định, màu thay đổi từ nâu sậm tới đen, viền màu kem.

Loài ngựa với những trận đấu trước khi giao phối.


Những móng guốc mạnh mẽ được giương lên cao, lỗ mũi mở rộng hết cỡ hai con ngựa hoang Stallions bắt đầu bước vào cuộc chiến đầy uy quyền để được quyền giao phối trong mỗi mùa xuân hàng năm.
Đó là một nghi lễ không thể thiếu của loài ngựa quen sống trong đàn khoảng 200 con, trong đó, những con đực phải chiến đấu để bảo vệ bạn tình của mình khỏi những kẻ ve vãn khác.

Một cuộc giao chiến bằng móng guốc.
Những cuộc chiến giữa các con vật  mà trọng lượng của chúng có thể đạt tới gần tới nửa tấn này hẳn nhiên là không thể không có cảnh đổ máu. Nhưng kết quả là con đực thắng cuộc sẽ giành được quyền giao phối với đối tác, còn kẻ thua cuộc phải lén ra một chỗ khác liếm vết thương của mình.

Cuộc chiến giành quyền được duy trì nòi giống trên thảo nguyên Bosnia
Đặc quyền cao quý hơn nữa dành cho kẻ thắng cuộc là nó không chỉ được quyền sở hữu một con cái mà có hẳn một "hậu cung" đông đảo từ 8 tới 9 con. Nó được phép sở hữu cả nhóm ngựa cái này đảm bảo khả năng di truyền của nó là cao nhất. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc nó sẽ phải không ngừng chiến đấu ngăn chặn những con đực khác tìm cách đòi được chia sẻ mỹ nữ của nó.

Những cú tấn công chết người luôn kèm theo tiếng hí vang khắp thảo nguyên mỗi mùa xuân.
Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Vedran Vidak, người đã dành nhiều ngày quan sát những sinh vật tuyệt đẹp này chiến đấu trong môi trường tự nhiên của chúng ở vùng núi Cincar của Tây Bosnia, đã gửi tới người đọc những bức ảnh tuyệt vời nhất từ cuộc chiến sinh tồn của loài ngựa hoang Stallions.

Con ngựa hoang giơ móng guốc tấn công vào cổ đối thủ.

Một cái bắt tay giữa hai kẻ sĩ.

Con ngựa tựa lên vai bạn sau một trận giao hữu.

Cuộc chiến chống cá chép Châu Á ở Mỹ.


Giữa một số bang của Mỹ đang bùng lên vụ xích mích liên quan tới cá chép châu Á. Chính quyền Michigan, Wisconsin, Minnesota và Ohio đòi bang Illinois phải chặn đứng con đường di cư của cá chép châu Á lên phía Bắc.
Họ cho rằng nếu giống cá dữ và ăn tạp này sinh sôi nảy nở ở Ngũ đại hồ thì đúng là một thảm họa sinh thái.
Sự lựa chọn khó khăn
Tòa án Tối cao Mỹ vừa chuyển cho Quốc hội nước này xem xét đơn kiện dân sự bang Illinois của bốn bang Michigan, Wisconsin, Minnesota và Ohio về “vụ cá chép châu Á”. Vụ việc sắp vượt ra khỏi khuôn khổ quốc gia khi tới đây, Canada cũng gia nhập nhóm nguyên đơn bởi bốn trong năm hồ nói trên có những phần nằm ở nước này. Cá chép châu Á hoàn toàn không giống những “người anh em” đồng loại khác.
Theo cách mô tả trên báo chí Mỹ thì vẻ ngoài của chúng “gợi nhớ cá mập”, trọng lượng có thể đạt 50 cân và chiều dài bằng “thân hình người lớn”. Cá chép châu Á không chỉ ăn thịt tất cả các loài cá sống ở sông, hồ mà còn hủy diệt cả hệ sinh thái tại những nơi đó. Điều này khiến chủ các công ty nuôi cá ở năm hồ lớn Superio, Michigan, Erie, Huron và Ontario coi chúng là kẻ thù không đội trời chung.

Cá chép châu Á bị coi là "quỷ dữ" ở Mỹ
Giống cá dữ có nguồn gốc châu Á bắt đầu di cư từ miền Nam nước Mỹ lên phía Bắc, theo hướng Ngũ đại hồ, khoảng 10 năm trước. Lần đầu tiên người ta mang chúng lên phía Bắc nước Mỹ để nuôi trong các trại cá là vào giữa thế kỷ 20. Trong những trận lụt vào thập niên 1990, những con cá chép châu Á đã thoát ra ngoài và lọt vào sông Mississippi rồi tỏa dần lên phương Bắc. Tới cửa sông Illinois, chúng sinh sôi nảy nở ngoài tầm kiểm soát, chiếm lĩnh kênh đào dẫn đến sông Chicago và từ đó “nhảy bổ” vào hồ Michigan.
Theo cách mô tả trên báo chí Mỹ thì vẻ ngoài của chúng “gợi nhớ cá mập”, trọng lượng có thể đạt 50 cân và chiều dài bằng “thân hình người lớn”.
Theo cảnh báo của Sở Bảo vệ tài nguyên Illinois, nếu không chặn đứng giống cá này thì chỉ riêng thiệt hại của các công ty nuôi cá sẽ vượt 9 tỷ USD/năm. Họ cho rằng đã đến thời điểm phải đóng kín cửa vào Ngũ đại hồ nếu không muốn toàn bộ hệ động - thực vật ở khu vực nước ngọt lớn nhất của Mỹ bị hủy diệt. Tờ Newizv cho biết rằng, trong những ngày tới, Quốc hội Mỹ phải lựa chọn cách thức tốt nhất để chống “kẻ xâm lược từ châu Á”. Hiện nước Mỹ đang có hai dự án. Dự án thứ nhất đã bắt đầu được thực hiện khi người ta lắp hàng rào điện ở cửa sông Chicago nhằm “chặn 100% cơ hội tràn vào hồ Michigan của những kẻ nhập cư hung bạo”. Tuy nhiên, cá chép châu Á đã biết cách lọt qua hàng rào điện nói trên. Hiện giờ các chuyên gia của một đơn vị quân đội Mỹ đang tìm cách hoàn thiện hàng rào này.
Dự án thứ hai do các nguyên đơn của vụ kiện đưa ra. Theo họ, cần “nút chặt” cả hai đầu của kênh giao thông đường thủy nối sông Illinois với sông Chicago. Song, như các chuyên gia của Hiệp hội Thương mại Illinois, việc đóng con kênh mà tàu bè chở hàng vẫn qua lại suốt 24 giờ trong ngày sẽ gây thiệt hại kinh tế nặng nề. Cước phí của việc vận chuyển theo đường bộ, đường sắt sẽ tăng cao, còn ngành vận tải đường thủy thì thiệt hại khoảng 8 tỷ USD/ năm. Chẳng khó để đoán được phản ứng của người dân địa phương đối với việc đóng con kênh này.
Như vậy, Quốc hội Mỹ phải cân nhắc giữa việc bảo vệ môi trường Ngũ đại hồ với sự bảo đảm ngân sách của bang Illinois.
“Kẻ tội đồ”
Cá chép có nguồn gốc từ châu Á được đưa vào Bắc Mỹ năm 1877 với chiến dịch quảng cáo rùm beng như là “loại cá tuyệt hảo nhất thế giới”. 345 con cá chép đầu tiên đã được thả xuống ao hồ ở công viên Druid Hill tại thành phố Baltimore, bang Maryland.

Giống cá chép ngoại lai nhanh chóng thích ứng với môi trường mới và chiếm lĩnh các khu vực sinh sống. Theo một số tài liệu khoa học, cá chép châu Á ăn các loại rong trong ao hồ nhưng với số lượng không nhiều như người ta vẫn đồn đại. Người ta còn cho rằng chúng ăn trứng của các loại cá khác. Điều này cũng không có chứng cứ thuyết phục. Đúng là cá chép làm vẩn đục các ao hồ, nhưng có đến mức gây tổn hại cho các loại cá khác hay không thì chưa ai xác định được.
Mặc dù có giá trị dinh dưỡng và tiêu khiển (câu cá) nhưng tại Mỹ, cá chép châu Á vẫn bị ghét bỏ. Chúng bị coi là mối đe dọa đối với các loại cá bản địa. Tuy nhiên, thật ra số lượng và chủng loại cá bản địa cũng đã suy giảm trước khi nhập cá chép. Chính do áp lực của nhu cầu cá nước ngọt nên nước Mỹ mới nhập khẩu cá chép châu Á. Đơn giản là giống cá này có khả năng sinh sống trong những môi trường đã bị ô nhiễm tốt hơn so với nhiều loại cá bản địa.
Biện pháp thường được sử dụng ở Mỹ để tiêu diệt cá chép châu Á là bỏ thuốc độc cho chết hết cá trong ao hồ, sau đó khử trùng và thả lại các loại cá truyền thống. Tuy nhiên, do sức chịu đựng cao của cá chép châu Á mà biện pháp này hầu như không đem lại hiệu quả.

Một gã hổ đực “làm tình” 6 lần trong một giờ.


Có những sự thật về loài hổ khiến chúng ta không khỏi bất ngờ, thí dụ: một gã hổ đực có thể “làm tình” 6 lần trong một giờ. Dưới đây là 25 bất ngờ về "ông ba mươi".

Mô tả ảnh.
 
1. Hổ là loài mèo lớn nhất trên Trái đất.

2. Thế giới có 8 phân loài hổ. Đó là hổ Java, hổ Bali, hổ Đông Dương, hổ Caspi, hổ Sumatra, hổ Bengal, hổ Soberia, hổ Hoa Nam. Hổ Hoa Nam được coi là tổ tiên của loài hổ. Châu Phi không hề có hổ.

3. Thế nhưng ba phân loài đã tuyệt chủng. Hổ Bali không còn có trong thiên nhiên từ những năm 1940, hổ Caspi những năm 1970 và hổ Java những năm 1970.

4. Hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng của hổ thuộc loại cao nhất trong muôn loài. Hổ Hoa Nam chỉ còn khoảng 60 con trong các vườn thú và khoảng 20 con trong thiên nhiên (và đã hai thập kỷ qua, chưa ai trông thấy con nào).

5. Một con hổ nuôi có thể sống đến 20 năm, trong khi sống trong tự do chỉ thọ từ 19 đến 15 năm.

6. Do tuyết lạnh, hổ Siberia lông rất dày và to lớn nhất. Chúng dài trung bình 2,75m và nặng chừng 245kg. Tiếp đó là hổ Bengal, dài 2,7m và nặng 218kg. Hổ Sumatra nhỏ nhất, chỉ dài 2,4m và nặng 113kg.

7. Nặng kỷ lục là một bác hổ Siberia, những 465kg.

8. Về dân số thì hổ Bengal đông nhất, khoảng 3.000 con. Và ít nhất là hổ Hoa Nam, như đã nói.

9. Nước bọt hổ là chất sát trùng rất mạnh, được chúng dùng làm sạch và chữa vết thương.

10. Hổ sống đơn độc, theo kiểu “giang sơn nào anh hùng ấy” trên một lãnh địa riêng. Trung bình một con hổ cần 160km2 để sống. Chúng đánh dấu lãnh thổ của mình bằng cách tưới lên gốc cây nước tiểu rất khai hoặc cào mạnh lên thân cây.

11. Mùi nước tiểu đánh dấu lãnh thổ là một “mật mã” mà chỉ những con hổ khác mới hiểu được. Nó thông báo “không cho phép vượt qua” hoặc “cho phép” khi muốn tìm vợ (hoặc chồng) trong mùa giao phối. Lãnh địa của hổ đực bao trùm lên lãnh địa của nhiều hổ cái. “Giấy phép” chỉ cấp trong một số ngày.

12. Hoa văn vằn vện trên thân mỗi con hổ một khác, như dấu vân tay của người vậy. Nếu cạo lông hổ đi thì khi mọc lại, bộ trang phục vẫn y như cũ.

13. Trong các giác quan, tai hổ thính nhất. Mắt hổ vào ban đêm tinh hơn mắt người đến 6 lần. Nanh hổ dài 8-9cm, hàm hổ khỏe, có thể ngoạm sâu và làm gãy xương sống bất cứ con mồi nào. Vuốt hổ sắc, gân chân hổ rất dai và bền (để giữ mồi và làm nó vẫn đứng vững khi đã bị bắn chết). Duôi hổ dài bằng nửa thân, giữ thăng bằng khi nó lao vào con mồi (cũng như để thông tin cho đồng loại).

14. Hổ săn mồi chẳng khéo lắm đâu. 20 lần đuổi theo con mồi, may ra mới 1 lần thu được chiến lợi phẩm. Chúng khoái nhất là thịt lợn, hươu nai, trâu bò, sau mới đến thỏ và cá. Để no nê, một bữa phải 27,2kg thịt. Ăn thừa, hổ giấu hoặc chôn vùi nơi nào đó để dành cho bữa sau. Nhưng cũng có thể nhịn cả tuần liền. Chỉ hổ Ấn Độ là thích ăn thịt người. Mỗi năm ở đây có chừng 50 người bị hổ ăn thịt.

15. Hổ thường ngủ 18 tiếng mỗi ngày. Hổ thích bơi và đằm mình trong nước.

16. Ba tuổi hổ bắt đầu trưởng thành. Một gã hổ đực có thể “làm tình” 6 lần trong một giờ. Có lẽ đó là lý do để Đông y coi sản phẩm từ hổ là thuốc bổ dương chăng?

17. Hổ cái mang thai 102-106 ngày và thường sinh 2, 3 con, nhưng tỷ lệ tử vong rất cao. Tỷ lệ đực/cái là 1/1, hổ con mới đẻ chưa mở mắt và lớn rất nhanh, tăng khoảng 100 g/ngày. 12-13 tuần bắt đầu biết rượt đuổi và vật lộn nhau để học cách săn mồi. nhưng vẫn bám đuôi mẹ khi đã 2, 3 tuổi, để được mẹ bảo vệ, nếu không có thể bị các hổ đực khác ăn thịt.

18. Hổ trắng không phải là hổ bạch tạng, mà là một dòng riêng thuộc hổ Bengal.

18. Hổ đi vào thần thoại nhiều nước châu Á. Người ta thờ hổ, gọi hổ là “ông”.

19. Trong Đông y, các bộ phận của hổ được dùng làm ra các thứ thuốc quý dựa trên nhưng lời đồn đại đã trên 1.000 năm nay, nhưng chẳng có dẫn chứng khoa học nào chứng minh cho những điều đó.

20. Ngoài ra, hổ còn phục vụ cho các thú chơi kỳ quái. Nhà giàu thích bày biện bộ da hổ, hổ nhồi bông trong nhà. Nanh hổ, vuốt hổ để đeo làm đồ trang sức hoặc trừ tà.

21.Xưa nay hổ đều bị tiêu diệt một cách tàn nhẫn. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, ít nhất 100.000 con hổ đã bị bắn hạ.

22. Từ năm 1959, hầu như ở những nước có hổ sinh sống đều có đạo luật bảo vệ hổ, phạt nặng việc buôn bán hổ để thỏa mãn đòi hỏi của “thị trường hổ”. Từ năm 1960 đến 1984, tại Hoa Nam, người ta đã tịch thu 3.000 bộ da hổ. Hổ Bengal trung bình mỗi ngày bị giết một con.

23. Thế nhưng nạn săn bắt trộm vẫn diễn ra. Những nước tiêu thụ các bộ phận cơ thể hổ chủ yếu là Trung Quốc (và Đài Loan), Hàn Quốc, Nhật Bản. Còn thuốc và sản phẩm Đông y từ hổ có thể mua tại khắp nơi trên thế giới kể cả Anh, Mỹ, Tây Âu, Australia…

24. Một nhà máy rượu ở Đài Loan mỗi năm nhập 2.000kg xương hổ, tương đương 100 đến 200 con hổ bị giết hại và sản xuất ra 100.000 sản phẩm rượu ngâm cao hổ cốt. Có lẽ để bảo vệ hổ phải xóa bỏ cả “thị trường tiêu thụ hổ và các bộ phận từ hổ”.

25. Hổ trong các sở thú trên thế giới hiện nhiều hơn hổ trong thiên nhiên hoang dã. Riêng tại nước Mỹ, số hổ nuôi nhiều gấp đôi số hổ sống tự do trong rừng hiện nay. Ngoài số hổ nuôi công khai, nhiều nước châu Á còn nuôi hổ bất hợp pháp vì mục đích thương mại.

Admin

Thanks for joint