16/4/11

Nước biển Việt Nam bị nhiễm phóng xạ?

Các nhà khoa học khẳng định thời gian trước mắt nước biển của Việt Nam không bị nhiễm phóng xạ và sinh vật trên biển thuộc địa phận của Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng. PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, ngay sau khi biết tin Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản xả 11.500 tấn nước nhiễm phóng xạ nhẹ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima I ra biển Thái Bình Dương, Viện đã chỉ đạo kiểm tra sự nhiễm xạ trong nước biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Ninh Thuận, song không phát hiện phóng xạ trong nước biển.

Biển Việt Nam vẫn an toàn trước phóng xạ (Ảnh: Như Ý)
Theo tính toán về các dòng chảy trên thế giới, GS.TS Đinh Văn Ưu, Khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, không có dòng nước nào phía Đông Nhật Bản chảy thẳng về phía biển Việt Nam.
“Về lâu dài không thể nói được điều gì, nhưng trong khoảng thời gian vài ba tháng sẽ không lo ngại bị ảnh hưởng. Lý do, nước chảy về phía Đông Bắc, do vậy sẽ phải chảy sang Mỹ trước, sau đó mới quay về Việt Nam nên việc nước nhiễm phóng xạ chảy về Việt Nam có thể không xảy ra”, GS Ưu khẳng định.
GS Ưu cũng cho biết, do hoàn lưu trong nước khác so với không khí, vì thế về lâu dài, khả năng nước biển nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản chảy về Việt Nam cũng hiếm. Tồn tại lâu trong nước, độ phóng xạ có thể bị khuếch tán. Tuy nhiên, điều mà GS Ưu thực sự lo ngại đó là lượng phóng xạ sẽ bị nhiễm vào tôm, cá và các sinh vật khác thuộc vùng biển của Nhật Bản.
Kết quả đo nước biển nhiều ngày nay tại các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy chưa phát hiện phóng xạ trong nước biển tại Việt Nam. Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cũng thường xuyên lấy mẫu nước biển tại Ninh Thuận chưa phát hiện ra phóng xạ trong nước biển.
Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho biết: Việc lấy mẫu kiểm tra được tiến hành cả tuần qua nhưng chưa phát hiện phóng xạ trong nước biển. Nhật Bản thải nước phóng xạ ra biển nhưng ở nồng độ thấp, có chăng phóng xạ chỉ ở vùng gần khoảng 30km so với nơi thải ra.
Không lo cá, tôm nhiễm phóng xạ
Nhiều người tỏ ra lo ngại về việc, cá tôm hay các sinh vật trong biển của Việt Nam bị nhiễm phóng xạ, GS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, khẳng định không ngại việc này.
Theo GS An, về nguyên tắc, dòng chảy về biển Đông của Việt Nam vẫn có khả năng chuyển tải lượng phóng xạ, nhưng với lượng phóng xạ như hiện nay, nếu về đến Việt Nam thì cũng không có gì đáng ngại. Với các loài cá thuộc biển của Nhật Bản là giống cá xứ lạnh, chúng không thể vào biển của Việt Nam. “Nhiệt độ và độ mặn là rào ngăn cản sinh vật, do vậy cá Nhật Bản nếu vào biển Việt Nam sẽ bị chết ngay. Đây còn gọi là rào cản sinh thái. Chỉ ngại một việc cá đánh từ biển Nhật Bản thì cũng cần lưu tâm”, GS An nói.

Cho đến nay đa phần các trạm quan trắc của CTBTO ở Bán Cầu Bắc đều đã phát hiện hạt nhân phóng xạ, được biểu thị trong hình.
Những thông tin mới nhất về tình hình phóng xạ môi trường tại Nhật Bản cho thấy, mức độ phóng xạ đo được ngoài khơi Fukushima đã lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua. Cụ thể tại điểm lấy mẫu cách nhà máy Fukushima I 30 km về phía Đông, ngày 11.4 đã đo được I-131 ở mức 88,5 Bq/l, gấp 2,2 lần giới hạn cho phép đối với nước thải từ cơ sở hạt nhân.
Cs-137 đo được cũng ở mức cao nhất trong vòng mấy tuần qua, nhưng vẫn nhỏ hơn giới hạn cho phép. Tại điểm lấy mẫu cách nhà máy 15 km, I-131 ở mức gấp 23 lần giới hạn cho phép.
Trong khi đó, kết quả đo phóng xạ trong vùng biển gần nhà máy có xu hướng giảm nhanh. Ngày 11.4, kết quả đo I-131 và Cs-137 tại các điểm gần nhà máy đều dưới 1,5 kBq/l, còn tại điểm đo cách cổng xả của Tổ máy 5 và 6 khoảng 30 m là khoảng 7 kBq/l.

Nguy cơ sóng thần đông bắc Nhật 'không được lường trước'

Trên tạp chí khoa học uy tín thế giới, một nhà địa chấn học Mỹ làm việc tại đại học Tokyo, cho rằng các nhà địa chấn Nhật đã chìm trong những niềm tin cũ, không nhận thấy nguy cơ xảy ra siêu động đất và sóng thần ngày 11/3.

Robert Geller, giáo sư địa chấn học tại đại học Tokyo, viết trên tờ The Nature rằng các nhà khoa học Nhật đã bị gắn chặt với giả thiết về nguy cơ xảy ra động đất lớn ở bờ biển phía nam nước này.
Điều đó khiến hạn chế tầm nhìn của họ đối với các nguy cơ động đất sóng thần ở phía đông bắc, nơi cơn địa chấn mạnh 9 độ Richter kéo theo sóng thần đã khiến 27.000 người chết và mất tích.
Geller cho rằng không nên đặt niềm tin vào một giả thuyết đã tồn tại nhiều chục năm nay, rằng Nhật Bản đối mặt với nguy cơ động đất cực mạnh tại mảng kiến tạo ở bờ biển phía nam đảo Honshu và Shikoku.
Bản đồ nguy cơ thiên tai của chính phủ Nhật khoanh vùng Tokai, Tonankai và Nankai là "vùng động đất", được nhấn mạnh trong các chiến dịch truyền thông nhằm tăng nhận thức cho dân chúng và đã trở thành một định kiến sâu xa.



Bản đồ xác định nguy cơ địa chấn của Nhật Bản. Đồ họa: The Nature

Tuy nhiên theo ông Geller, các bản đồ này dựa trên hai tiền đề có từ những năm 1960 và 70 của thế kỷ trước, và lại không có căn cứ vững chắc.
"Điều này khiến công chúng hiểu sai, tin rằng chắc chắn sẽ có một ngày có trận động đất tới 8 độ Richter sẽ xảy ra ở tỉnh Tokai, trong tương lai gần", AFP dẫn lời ông.
Tuy nhiên Geller tính toán rằng từ năm 1975 đến nay, không có một trận động đất lớn nào xảy ra trong ba khu vực mà các nhà khoa học của chính phủ Nhật cho là những vùng nguy hiểm nhất.
Ngược lại, tất cả những trận địa chấn gây chết trên 10 người ở Nhật từ năm 1979 đén nay đều xảy ra ở những khu vực được cho là chỉ có nguy cơ thấp.
Nếu như các nhà khoa học lục lại biên niên sử, họ sẽ thấy rằng những cơn sóng thần gây ra bởi động đất đã lặp đi lặp lại việc tấn công vào vùng đông bắc Nhật trong nhiều thế kỷ qua, thì siêu động đất và sóng thần ngày 11/3 vừa rồi "đã có thể được đoán trước, dù là một cách chung chung", ông Geller nói.
Việc dự đoán thời điểm và vị trí động đất là không thể, nhưng ít nhất, mối đe dọa đó có thể được cân nhắc tính đến trong việc thiết kế nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Geller bình luận.
"Đây là lúc cần phải thẳng thắn với công chúng rằng không thể dự báo được động đất, và từ bỏ hệ thống dự báo ở vùng Tokai", Geller thêm.
"Toàn bộ Nhật Bản đều có nguy cơ bị động đất, và trình độ khoa học địa chấn ngày nay không cho phép chúng ta dự đoán được mức độ của nguy cơ tại một vùng địa lý cụ thể nào đó".

Admin

Thanks for joint