14/11/12

Giải thích hiện tượng “cát biết hát”


Trong nhiều thế kỷ qua, hiện tượng một số vùng sa mạc trên thế giới phát ra thứ âm thanh kỳ lạ nghe như những bản nhạc đã mê hoặc biết bao du khách và nhà thám hiểm.
Người xưa cho rằng đó có thể là tiếng thét của quỷ thần chốn địa ngục hoặc là tiếng hát mà nàng tiên cá cất lên nhằm dụ dỗ các thủy thủ. Tuy nhiên, với khoa học hiện đại, nguồn gốc thực sự của nó vẫn là một câu hỏi chưa thể làm rõ.
Đến nay, theo các nhà nghiên cứu, trên thế giới tồn tại khoảng 30 sa mạc biết hát ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng nhìn chung họ đều thống nhất giả thuyết về sự rung động xảy ra phía dưới bề mặt cồn cát.
Trong một báo cáo được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters mới đây, nhóm khoa học đến từ Pháp đã cùng nhau giải quyết bí ẩn: làm thế nào các hạt cát biết hát đó có thể phát ra âm thanh cùng một lúc?
Các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm hiện tượng “cát biết hát” trong phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm hiện tượng “cát biết hát”
trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: American Geophysical Union)
Để trả lời câu hỏi này, các chuyên gia nghiên cứu âm thanh đã tiến hành thử nghiệm tại hai đụn cát khác nhau: một ở sa mạc Sahara, phía tây nam Ma-rốc và một ở gần Al-Askharah - thị trấn ven biển đông nam Oman, trên bán đảo Ả Rập. Kết quả: tại Ma-rốc, nhiều bãi cát tạo ra tần số đều đều ở mức 105Hertz, trong khi ở Oman đôi khi lại xuất hiện thứ âm tạp chói tai với tần số lên xuống thất thường, từ 90 đến 150hertz. Ngoài ra, trong khi cát ở sa mạc Ma-rốc có kích thước tương đối đồng đều thì ở Oman lại không.
Tiến hành phân lập những hạt kích cỡ khác nhau và ghi lại âm thanh khi chúng di chuyển qua không khí trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học kết luận “cát biết hát” là hiện tượng phụ thuộc vào kích thước và tốc độ chuyển động của cát, tức là hạt có kích thước khác nhau sẽ di chuyển ở vận tốc khác nhau.
Tuy nhiên, họ vẫn không hiểu làm thế nào chuyển động thất thường lại có thể kết hợp thành những bản nhạc khá mạch lạc. Giả thuyết được chấp nhận rộng rãi chính là sự di chuyển của hạt cát xảy ra đồng thời, hoặc dao động ở cùng một tần số. Hàng ngàn rung động nhỏ kết hợp dễ dẫn đến sự chấn động của không khí, từ đó mà phát ra âm thanh, tác giả chính Simon Dagois-Bohy cho biết.

Nhà khoa học cũng tin vào thiên đàng


Tiến sĩ Holley Alexander là một nhà giải phẫu thần kinh của Harvard. Ông suýt chết 4 năm trước vì bị nhiễm trùng não do khuẩn E.coli và làm ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tuần.
Các kết quả quét não cho thấy phần lớn các bộ phận của não chịu trách nhiệm tạo ra ý thức, suy nghĩ và trí nhớ đề không hoạt động, chỉ có những bộ phận nguyên thuỷ nhất của não là còn hoạt động. Các bác sỹ cho rằng ông có rất ít khả năng sống sót, và nếu sống sót não của ông bị đe doạ trong suốt phần đời còn lại.
Holley Andersen nói: “Các y tá sẽ bước vào và họ sẽ kéo mí mắt của ông ta lên, chiếu vào ánh đèn pin, và đôi mắt của ông ta chỉ nhắm lại và nghiêng sang một bên như thể ông ấy đã ra đi rồi”.
Nhưng Alexander đã tỉnh lại sau đó một tuần, ông tin rằng Holley đã đúng, ông đã không ở đó.
Tiến sĩ Holley Alexander
Tiến sĩ Holley Alexander
Alexander tuyên bố rằng ông đã trải qua một cái gì đó bất thường: một chuyến đi tới thiên đàng.
Ông kể lại: Ký ức đầu tiên khi ông rơi vào tình trạng hôn mê sâu là ông không có ngôn ngữ, mọi ký ức về trần thế đã hoàn toàn biến mất. Ông cũng không có nhận thức về cơ thể. Ông chỉ có nhận thức trong một loại môi trường bóng tối âm u và ông cảm giác mình có mặt ở đó trong một thời gian rất dài. Sau đó ông được cứu thoát bởi một luồng ánh sáng màu trắng xinh đẹp với một giai điệu, một giai điệu tuyệt diệu và cùng với nó mở ra một thung lũng tươi sáng. Thung lũng này tràn ngập những bông hoa đang nở rộ, và là một thế giới siêu thực phức tạp vô cùng khó diễn tả.
Alexander còn cho biết ông đã thấy ở đó cùng ông là một phụ nữ trẻ, người đã vượt qua thời gian và không gian cùng ông trên một cánh bướm và nhắn nhủ ông rằng: “Bạn là tình yêu, bạn được yêu thương và ở đây không có gì bạn có thể làm sai”. Người phụ nữ đó đã nhìn ông, không nói một lời nào nhưng ông đã nhận được thông điệp đó.
Chúa đã ở đó với tư cách là một sự hiện diện lớn của tình yêu, Alexander nói và Alexander đã hiểu Chúa thông qua một quả cầu ánh sáng rực rỡ.
Sau khi hồi phục, Alexander được người nhà cho xem một bức ảnh của một cô em gái mà ông chưa bao giờ gặp mặt hoặc nhìn thấy trước đây. Ông đã nhận ra cô gái đó chính là người phụ nữ đến từ thiên đàng.
Tất nhiên nhiều người sẽ cho rằng những gì Alexander đã trải qua chỉ là ảo giác. Nhưng ông không nghĩ vậy. “Tôi biết rằng nó thực sự đã xảy ra, và nó xảy ra trong bộ não của tôi”, Alexander nói.

Hiện thực hay chỉ là ma trận?


Đó là câu hỏi tồn tại ít nhất trong vài thiên niên kỷ, và giờ đây một nhóm chuyên gia tuyên bố cuối cùng đã tìm được cách kiểm tra giả thuyết này.
Loạt phim Ma trận với phần 1 được công chiếu vào năm 1999 không những đưa tài tử Keanu Reeves lên hàng ngôi sao thế giới mà còn gieo vào đầu óc những người đa nghi về sự hiện hữu của thế giới hiện tại. Phải chăng chúng ta không phải đang sống thật, mà bị trói buộc trong một vũ trụ do cỗ máy tính khổng lồ dựng nên? Và loài người bị một trí thông minh nhân tạo tà ác dùng làm năng lượng vận hành cỗ máy đó. Nói cách khác, liệu con người đang sống thực sự hay chỉ là những viên pin sinh học?
Trên thực tế, câu hỏi trên đã xuất hiện hàng ngàn năm nay. Tất nhiên khi mới đặt vấn đề, các triết gia thời đó không dùng từ “ma trận”. Một trong những câu hỏi đầu tiên được đặt ra về thực hư của thế giới xuất hiện trong công trình Nền cộng hòa của Plato, trong nỗ lực mô tả về sự tồn tại của một tình trạng phi hiện thực của thế giới. Triết gia Hy Lạp Plato, được nhiều người công nhận là cha đẻ của triết học phương Tây cho rằng, hiện thực có thể chẳng qua chỉ là những cái bóng trong hang. Và người ở trong, chưa bao giờ rời khỏi cái hang, có thể không nhận thức được điều đó.
Trong loạt phim Matrix, thế giới hiện tại chỉ là mô hình do máy tính dựng nên
Trong loạt phim Matrix, thế giới hiện tại chỉ là mô hình do máy tính dựng nên
Theo Plato, cách duy nhất để xác nhận được đây là thế giới thực là phải dựa vào công trình nghiên cứu cặn kẽ về toán và hình học, nhằm đưa ra các gợi ý về bản chất thật của thế giới. Đến thời của triết gia người Pháp Rene Descartes, với các công trình nghiên cứu thường được dùng để giới thiệu tổng quát về siêu hình học, vấn đề trên lại được nêu ra. Descartes đề cập đến một con quỷ tham lam mà ông cho rằng đang kiểm soát cả vũ trụ, khiến con người chẳng phát hiện được rằng họ đang sống trong một thế giới ảo.
Sau gần 2.000 năm kể từ khi Plato cho rằng những cảm giác của con người đã giới hạn khả năng nhận thức của họ, khiến họ chỉ thấy được sự phản chiếu mờ nhạt của hiện thực, một nhóm chuyên gia tuyên bố đã tìm được cách giải câu đố hóc búa. Phát biểu trên chương trình Today của Đài BBC Radio 4, Giáo sư Silas Beane, nhà vật lý học lý thuyết của Đại học Bonn (Đức) cho hay nhóm của ông đã nghĩ ra phương pháp thử nghiệm giả thuyết về ma trận, với hy vọng sẽ mở ra một giai đoạn mới của sự khám phá. Ông đề nghị sử dụng các mô hình toán học gọi là Lưới QCD trong nỗ lực tái tạo một ma trận trên thực tế, hay mô hình của vũ trụ do máy tính kiểm soát. Lưới QCD là một sự tiếp cận phức tạp, nhằm kiểm tra các hạt cơ bản như hạt quark và gluon liên kết với nhau để tạo thành proton và neutron trong không gian 3 chiều.
Theo báo cáo trên chuyên san arXiv, Giáo sư Beane nói: “Chúng tôi tự xem mình là nhà kiến thiết ở tầm vũ trụ, do chúng tôi tính toán được những tương tác giữa các hạt bằng cách thiết lập không gian và thời gian theo dạng lưới và đặt chúng vào một cái hộp”. Trên lý thuyết, xây dựng được mô hình vật lý ở mức độ nền tảng được cho là tương đương với việc tái tạo hoạt động của bản thân vũ trụ.
Giới triết gia đã đón nhận thông tin này với thái độ hoài nghi như mọi khi. Họ cho rằng vẫn còn việc phải làm trước khi xác định được liệu vũ trụ này là một ma trận hay không? Hay nói một cách cụ thể, như theo tiến sĩ Peter Millican của Đại học Oxford (Anh), chứng cứ mà nhóm ông Beane đưa ra vẫn chưa thuyết phục lắm.

Người săn ma


Khi đêm Halloween đang cận kề, những đề tài về hiện tượng huyền bí lại được dịp trỗi dậy và phát tán. Tuy nhiên, với thám tử chuyên nghề săn ma như Joe Nickell, đây là chuyện thường ngày.
“Hầu hết những người tự gọi mình là nhà săn ma đều theo đuổi dấu vết của chính mình mà không biết”, NBC News dẫn lời Nickell, người Mỹ, tác giả của cuốn Khoa học về ma. “Nếu họ đi vào một ngôi nhà bị nghi là ma ám và khuấy động khắp nơi, họ không nên ngạc nhiên khi chụp được nhiều hình ảnh quái dị (do bụi bay tứ phía)”, Nickell nói. Những hình ảnh trên, hầu hết là hình cầu, thật ra là ảnh phản chiếu lờ mờ không rõ nét dưới ánh đèn flash của camera, được tạo ra khi các phân tử bụi trôi nổi trước ống kính. Các tiếng động nặng nề mà những người săn ma nghe thấy thật ra đa phần là tiếng bước chân của các thành viên trong đoàn đang sục sạo ở nơi khác trong khu nhà. Còn những chi tiết kỳ bí trên những bức ảnh chụp nhiệt được giải thích là dấu vết mà người thật đã để lại khi rời khỏi.
Một bóng ma trong phim Shutter vào năm 2008
Một bóng ma trong phim Shutter vào năm 2008 - (Ảnh: Twentieth Century Fox)
Việc theo đuổi những lời đồn đãi để tìm ra sự thật không phải là chuyện dễ dàng, nhưng những điều khiến người thường rợn tóc gáy lại là điểm hấp dẫn đối với chuyên gia săn ma Nickell. Kể chuyện ma thì chỉ mất vài phút, nhưng mở cuộc điều tra về nó có thể là một hành trình dài hơi. Nickell, từng là thám tử tư và hành nghề ảo thuật chuyên nghiệp, đã cộng tác với những tạp chí như Skeptical Inquirer và tham gia Ủy ban Điều tra những điều hoài nghi từ thập niên 1970. “Tôi ở trong những căn nhà ma ám còn nhiều hơn cả Casper (một nhân vật ma dễ thương)”, ông Nickell pha trò. Nhưng trên thực tế công việc "săn ma" vô cùng vất vả.
Trong cuốn Khoa học về ma, Nickell đã kể lại nhiều cuộc phiêu lưu trên khắp thế giới. Ngôi nhà ma ám đầu tiên mà ông điều tra là Mackenzie ở Toronto (Canada), nơi nhiều người cam đoan đã thấy ma quỷ xuất hiện phía trên giường họ, hay những bước chân lạ trong khi chẳng ai ở nhà. Theo kết luận của Nickell, những ảo ảnh ma quỷ mà họ thấy chẳng qua là mơ trong lúc thức, một hiện tượng khiến con người thấy hình ảnh trong lúc đang nửa mơ nửa ngủ. Còn về tiếng bước chân, Nickell phát hiện nó xuất phát từ một cầu thang sắt ở nhà bên cạnh. Âm thanh bí ẩn mà họ nghe được chẳng qua là tiếng của một nhân viên lau dọn vào đêm khuya. Và điều mà ông Nickell rút ra được trong vụ đầu tiên là muốn điều tra phải đến tận nơi, phải lùng sục mọi ngóc ngách như đó là một hiện trường tội ác.
Nickell cũng làm việc với các bà đồng, người cho rằng mình có khả năng giao tiếp với người chết, chẳng hạn như John Edward. Về vấn đề này, ông cho rằng những người đó có thể bị ám ảnh bởi những ý tưởng kỳ quái, hoặc đơn giản là kẻ nói dối. Dù vậy, thám tử săn ma hoàn toàn tôn trọng lòng tin của nhiều người về hồn ma và cuộc sống sau khi chết. Theo ông, đó là do chúng ta không muốn những người yêu thương chết đi. Và tất nhiên ai cũng có quyền tin vào điều mình muốn tin.

Huyền thoại về người sói


Những câu chuyện về người sói xuất hiện khắp các nền văn hóa, phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa người với sói qua nhiều thế hệ.
Nữ tác giả người Mỹ Linda Godfrey là một trong những người tin vào truyền thuyết người sói, hay phiên bản ghê rợn hơn là ma sói. Trong cuốn Những người sói thực sự: Những lần chạm trán tại Mỹ thời hiện đại dài 300 trang, bà đưa ra hàng chục câu chuyện kể về các lần nhân chứng thấy tận mắt những con thú lông lá chạy bằng 2 chân. Giới khoa học chẳng bị thuyết phục với các câu chuyện này, nhưng họ thừa nhận con người đã được cài đặt sẵn trong tiềm thức là phải luôn cảnh giác với những con sói quanh quẩn trong bóng đêm.
“Ý tưởng về người sói thuần túy chỉ là sản phẩm từ sự tưởng tượng của chúng ta, nhưng nó được hình thành từ nền văn hóa hàng ngàn năm sợ hãi trước loài sói”, theo chuyên gia Rolf Peterson của Viện Công nghệ Michigan, người đã nghiên cứu về loài vật hoang dã này trong mấy thập niên qua tại công viên quốc gia đảo hoàng gia ở Hồ Lớn tại bang Michigan. Ông Peterson bác bỏ khả năng có ma sói, nhưng dù vậy cũng không khiến những người như bà Godfrey chùn bước. “Tôi nhận được hàng trăm báo cáo trong những năm qua… và có lẽ một số ít trường hợp đã thấy được sinh vật huyền bí trên”, nữ tác giả phát biểu trên Đài NBC News.
Ma sói tồn tại trong nhiều nền văn hóa trên thế giới
Ma sói tồn tại trong nhiều nền văn hóa trên thế giới
Godfrey kể lại mình đã sốc như thế nào khi mới tập tễnh vào nghề báo hồi năm 1991, bà đã viết về vụ các nhân chứng bị một con thú giống sói, cao cỡ 1,8m và chạy trên 2 chân truy đuổi tại Elkhorn, bang Wiscosin. Con vật này được gọi là “quái thú trên đường Bray”. Dù không giải thích được trên cơ sở khoa học, Godfrey vẫn cho rằng có sự tồn tại của một loài sinh vật như người sói. Tất nhiên cũng có các trường hợp chơi khăm, và vụ đình đám nhất là đoạn phim Gable, trong đó quay cảnh một bóng đen tấn công người cầm camera. Sau đó, người ta mới phát hiện thủ phạm là hai gã đàn ông chơi trò đóng giả theo truyền thuyết “cẩu nhân Michigan”.
Godfrey cũng thừa nhận một số báo cáo về người sói cuối cùng lại là sự tưởng tượng của những người thần hồn nát thần tính khi nhìn thấy sói hoặc gấu đang đứng trên 2 chân sau. Hoặc các bóng đen râu tóc thậm thượt là một kẻ nào đó chán cảnh phồn hoa đô hội và lẩn vào nơi rừng sâu. Tuy nhiên, bà vẫn nhất quyết rằng có người sói thật ở đâu đó, nhưng không phải dạng người hóa sói như trong loạt phim ăn khách về ma cà rồng Twilight, hay người bị đột biến gien khiến thân họ phủ lông dày như sói.
Chuyên gia Peterson là một trong những nhà khoa học mà bà Godfrey đã liên lạc trong quá trình săn tìm người sói. Dù chẳng thấy có lý do gì phải tin vào những câu chuyện của nữ tác giả này, Peterson cho biết có vài nguyên nhân đã giúp truyền thuyết người sói đâm chồi mọc rễ. “Nền tảng của nỗi sợ sói ở người không phải là chẳng có chứng cứ. Sói là loài gây nhiều khó khăn cho con người nhất”, Peterson nói. Chẳng hạn, bệnh dại xảy ra phổ biến ở châu Âu trong thời cực thịnh của trường thiên về người sói, bắt đầu từ thế kỷ 16. Con người hoảng sợ khi chứng kiến một nạn nhân bị sói hoặc chó cắn lên cơn dại, tạo thêm cơ sở cho truyền thuyết người hóa sói. Hoặc thời xưa, sói thường tấn công trẻ chăn cừu…
Bên cạnh đó, vẫn còn một mặt khác trong mối quan hệ giữa người với sói. Hàng ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đã thuần hóa sói thành bạn thân nhất của loài người. Với sự phức tạp trong quan hệ đan xen yêu - ghét giữa người - sói như vậy, không ngạc nhiên khi các nền văn hóa trên thế giới đều lưu truyền các huyền thoại về ma sói, theo chuyên gia Peterson.

Admin

Thanks for joint