20/5/11

Argentina: Máy bay nổ tung, 22 người thiệt mạng


- Một chiếc máy bay của hãng hàng không Argentina chở 22 người hôm nay đã bị đâm và nổ tung ở miền nam đất nước, khiến toàn bộ những người trên khoang thiệt mạng.

Hãng hàng không Sol Air Lines của Argentina cho hay chiếc máy bay mang số hiệu 5248 chở 3 thành viên phi hành đoàn và 19 hành khách, trong đó có một em nhỏ, đã thông báo tình trạng khẩn cấp khi đang bay từ Neuquen, gần dãy Andes, tới Comodoro Rivadavia, dọc bờ biển Patagonia, miền nam đất nước.

Công ty Sol Air Lines xác nhận xác máy bay đã được tìm thấy cách tây nam thị trấn Los Menucos khoảng 25km và lính cứu hỏa cùng cảnh sát địa phương không tìm thấy còn ai sống sót.

“Thật đau buồn là không còn ai sống sót. Chúng tôi thấy các thi thể bị cháy. Tất cả mọi thứ đều bị cháy”, Ismael Ali, giám đốc bệnh viện ở thị trấn Los Menucos cho biết.

Theo người phát ngôn của hãng hàng không Sol tại thủ đô Buenos Aire , Horacio Darre, chiếc máy bay đã cất cánh bình thường và hiện không thể biết nguyên nhân gây ra vụ việc.

Sol cũng cho biết nhận được liên lạc khẩn của máy bay vào 8h50 tối (giờ địa phương), khi máy bay bay được nửa chặng đường.

Máy bay đã bị đâm và phát nổ ở khu đất ở vùng nông thôn của một người đàn ông. Và người này đã lái xe vào thị trấn cảnh báo với giới chức trách.

Máy bay quân sự Mỹ bốc cháy ngùn ngụt


 - Một chiếc máy bay chở dầu của quân đội Mỹ đã gặp nạn và bốc cháy ngùn ngụt khi đang cất cánh từ căn cứ không quân ở miền nam California hôm qua.
Chiếc máy bay Boeing 707, được dùng để vận chuyển nhiên liệu, cất cánh từ sân bay Point Mugu, phía nam California, và gặp nạn lúc 5h25 chiều giờ địa phương.
Máy bay đã bị trượt đường băng và bốc cháy tại hiện trường, cách Los Angeles khoảng 40km về phía tây bắc. 3 người trên máy bay, đều là các nhân viên dân sự, đã may mắn thoát nạn và chỉ bị thương nhẹ.
Lửa cháy ngùn ngụt và một cột khói đen dày đặc đã bốc lên từ hiện trường. Hình ảnh quay được từ trên cao cho thấy phần đuôi máy bay đã bị vỡ và tách ra khỏi thân, trong khi các nhân viên cứu hoả nỗ lực dập tắt đám cháy.
Một trực thăng đã được điều động khẩn cấp để phun nước vào chiếc máy bay bốc cháy nhưng lực lượng cứu hoả phải mất hơn 3 giờ mới dập tắt được ngọn lửa.
Dịch vụ tiếp nhiên liệu hàng không Omega, hãng vận hành chiếc Boeing 707, cho hay máy bay gặp nạn ngay gần bờ biển Thái Bình Dương nhưng nhiên liệu không bị rò rỉ ra biển.
Không rõ là chiếc Boeing cất cánh để bay đi đâu vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn. Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ đang điều tra nguyên của vụ việc.


Chiếc máy bay Boeing đang bốc cháy tại hiện trường vụ tai nạn.
Vụ tai nạn xảy ra vào chiều qua giờ địa phương.
Máy bay đã bị rượt đường băng và lao ra một khu đất trống.



3 người trên khoang đã may mắn thoát chết.


Một trực thăng đang phun nước vào chiếc máy bay đang bốc cháy.


Ảnh chụp từ trên cao cho thấy chiếc máy bay đã cày xuống đất.

Vệt cháy xém để lại trên đường băng.

Di sản đập Tam Hiệp Trung Quốc


 - Sau bão táp, lũ lụt chết người trong mấy ngày qua, Trung Quốc lại đứng trước nguy cơ phải đối phó với nạn lụt lớn trong thời gian tới khi nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp lên đến mực rất cao, đe dọa tràn ra và nhấn chìm vùng hạ lưu sông Dương Tử.
Lực lượng quân đội cố ngăn nước lũ khi một con đập bị vỡ ở nhánh sông Dương Tử tại tỉnh Giang Tô
Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, nước trong hồ chứa ở đập thủy điện Tam Hiệp hôm 23/7 đã lên đến mực rất cao là 158,8m, trong khi mức cao nhất là 170 m. Trong trường hợp nước hồ chứa đập Tam Hiệp tràn ra ngoài, vùng hạ lưu sông Dương Tử sẽ bị ngập nước.
Dự báo thời tiết cho biết sẽ có thêm mưa trong lúc mực nước sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc, tiếp tục ở mức cao gần kỷ lục.
Vùng có nguy cơ bị lụt nghiêm trọng nhất là tỉnh Giang Tây. Chính quyền địa phương đã báo động tình hình nguy ngập và kêu gọi phải gia tăng các biện pháp phòng chống dọc các sông hồ với mực nước lên cao sau các trận mưa to trong những ngày qua.
Nhiều người hiện nay lo ngại là tình huống năm 1998 lại tái diễn. Năm đó, nước sông Dương Tử lên cao gây ngập lụt làm hơn 4.000 người chết, 18 triệu người phải sơ tán.
Hôm qua, 100.000 người đã phải đi sơ tán do mưa lớn kéo dài khiến nước sông Gia Lĩnh ở tỉnh Tứ Xuyên (thuộc Tây Nam), một nhánh lớn của sông Dương Tử, dâng cao tràn bờ. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với hàng nghìn người ở tỉnh Thiểm Tây và Hồ Bắc, khi nước các con sông ở đây đều vượt mức báo động.
Theo cơ quan kiểm soát lũ lụt của Trung Quốc, nước này đang chứng kiến trận lụt tồi tệ nhất trong suốt một thập kỷ qua, gây thiệt hại gần 21 tỉ USD.
Số liệu chính phủ Trung Quốc công bố giữa tuần qua cho biết đã có 700 người chết và hơn 300 người mất tích từ đầu năm đến nay do lũ lụt ở Trung Quốc.
 - Trong đợt mưa lũ gần đây, hàng ngàn tấn rác đã bị cuốn trôi xuống hồ chứa của đập Tam Hiệp khổng lồ Trung Quốc. Rác dày đến nỗi người ta có thể "dạo bộ" trên mặt hồ.
Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện lớn nhất thế giới.
 
Chen Lei, một quan chức cấp cao của Công ty đập Tam Hiệp Trung Quốc, cho biết trên tờ China Daily rằng hiện mỗi ngày có tới 3.000 tấn rác được thu lượm ở con đập, nhưng vẫn không đủ sức người để dọn sạch tất cả số rác bị cuốn trôi xuống đập.

“Khối lượng rác khổng lồ ở khu vực đập có thể chặn cổng của đập Tam Hiệp”, ông Chen cho hay, ám chỉ đến các cổng cho phép tàu thuyền đi qua sông Dương Tử.
 
 
Công nhân dọn rác bị mưa lũ cuốn trôi xuống sông Dương Tử.
 
Sông Dương Tử là tuyến đường thương mại quan trọng đối với thành phố Trùng Khánh ở thượng nguồn và các khu vực khác tại các tỉnh miền tây Trung Quốc.

Các bức ảnh cho thấy những vạt nước khổng lồ phun ra từ con đập bị “hòa” đầy rác, trong đó có giày dép, chai lọ, cành cây, bọt biển…
 
 
Hàng ngàn tấn rác đang "xâm lấn" hồ chứa nước tại đập Tam Hiệp trong đợt mưa lũ mới đây. (Ảnh các công nhân đang thu lượm rác gần đập Tam Hiệp)
 
Theo báo cáo chính thức, kể từ đầu mùa mưa vào tháng 7, khoảng 50.000m2 mặt nước hồ chứa của đập Tam Hiệp đã bị rác che phủ. Và những khối rác này có độ dày lên tới 60cm, thậm chí ở một số chỗ người ta có thể đi bộ lên trên được, tờ Hubei Daily cho hay.

“Khối lượng rác khổng lồ như thế có thể làm hỏng chân vịt và đáy của tàu bè qua lại”, ông Chen cho hay. “Rác phân hủy cũng thể gây hại tới cảnh quan và chất lượng nguồn nước”.
 
 
Một công nhân dọn rác bị cuốn trôi xuống sông Dương Tử, đoạn ở tỉnh An Huy.
 
Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện lớn nhất thế giới, được xây dựng một phần là để khống chế lũ lụt dọc sông Dương Tử. Chi phí xây dựng đập này lên đến hơn 37,5 tỷ USD và buộc 1,3 triệu người phải tái định cư. 
 
 
Rác trên sông Dương Tử dày tới nỗi có thể "dạo bộ" được trên mặt sông.
 
Các nhà môi trường nhiều năm qua đã cảnh báo rằng hồ chức nước tại đập Tam Hiệp có thể bị biến thành hồ chứa rác thải thô và hóa chất công nghiệp độc hại của thành phố Trùng Khánh gần đó và lo ngại rằng phù sa bị mắc kẹt sau con đập có thể gây xói mòn dưới hạ nguồn.

Các nhà môi trường cũng cho rằng suốt gần một thập niên qua Trung Quốc đạt được bước tiến rất nhỏ trong việc hạn chế ô nhiễm bên trong và quanh hồ chứa nước đập Tam Hiệp. Theo ông Chen, mỗi năm Trung Quốc phải chi khoảng 100 triệu tệ để dọn từ 150.000-200.000 m3 rác bị cuốn xuống đập.
 - Trung Quốc hôm nay thừa nhận đập Tam Hiệp của nước này đã gây ra hàng loạt vấn đề lớn cần phải được giải quyết nhanh chóng.
Hàng ngàn tấn rác đang "xâm lấn" hồ chứa nước tại đập Tam Hiệp trong đợt mưa lũ năm ngoái. (Ảnh các công nhân đang thu lượm rác gần đập Tam Hiệp)

Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho hay dự án đập Tam Hiệp đã gây ra các vấn đề về môi trường và các vấn đề liên quan đến việc tái định cư cho 1,3 triệu người.
 
Đập Tam Hiệp là đập lớn nhất thế giới và có chi phí có thể lên tới 40 tỷ USD.

Đây được xem là lần đầu tiên các quan chức chính phủ trung ương Trung Quốc thừa nhận vấn đề đối với dự án đập Tam Hiệp. Thừa nhận được đưa ra trong tuyên bố của Quốc vụ viện, tức chính phủ trung ương Trung Quốc.
 
Tuyên bố mới đầu ca ngợi những thành tựu đạt được của dự án xây đập, cho rằng nó đã giúp giảm lũ lụt, tăng tưới tiêu và sản xuất điện.

Tuy nhiên tuyên bố thừa nhận: “Có những vấn đề cấp thiết cần phải được giải quyết, như bình ổn và cải thiện đời sống cho những người được tái định cư, bảo vệ môi trường, ngăn chặn các thảm họa địa chất”.

Cảnh báo thảm họa

Đập Tam Hiệp được xem là “giấc mơ” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông. Đập bắt đầu được xây dựng vào năm 1994 trên sông Dương Tử và hoàn thành vào năm 2006. Đập thủy điện lớn nhất thế giới ở miền trung Trung Quốc này bắt đầu đi vào sản xuất điện vào năm 2008.

Các lãnh đạo địa phương cùng các nhóm vấn động đã phàn nàn về các vấn đề liên quan đến dự án đập. Tại một cuộc hội thảo do chính phủ tổ chức vào năm 2007, các quan chức địa phương đã cảnh báo về “thảm họa môi trường” đập Tam Hiệp có thể gây ra.

Mực nước lên xuống trong hồ chứa trải dài tới 660km có vẻ như đã gây ra hiện tượng lở đất thường xuyên tại nước này.

Mưa lớn gây lũ lụt vào mùa hè năm ngoái đã cuốn một lượng lớn rác rưởi xuống sông Dương Tử, khiến Trung Quốc phải tiến hành một chiến dịch dọn dẹp khổng lồ. Báo chí nhà nước khi đó cho hay rác có chỗ dày tới nỗi có thể đi bộ trên sông được và đe dọa làm tắc đập.

Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết cần phải hành động thêm để giúp đỡ những người buộc phải di dời nơi ở khi đập được xây dựng. Cụ thể họ cần thêm việc làm, các cơ sở giao thông tốt hơn cũng như cần được cải thiện vấn đề an sinh xã hội.

Đập Tam Hiệp là dự án gây tranh cãi thậm chí từ trước khi nó được phê chuẩn. Trong tuyên bố mới nhất, Quốc vụ viện cho hay họ biết về một số vấn đề có thể xảy ra ngay cả trước khi dự án xây đập bắt đầu từ 17 năm trước. Những vấn đề khác nổi lên trong quá trình xây dựng trong khi một số khác xuất hiện kể từ khi xây xong do “nững yêu cầu mới khi tình hình kinh tế, xã hội phát triển”.

Chính phủ Trung Quốc khẳng định nhiệm vụ hiện nay là giải quyết một số vấn đề trên.

Tiết lộ ảnh mới sóng thần ập vào nhà máy hạt nhân Nhật


- Những bức ảnh mới cho thấy khoảnh khắc đầu tiên sóng thần ập vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima I tại đông bắc Nhật Bản vào ngày 11/3 vừa qua.
 
Sóng thần đang tiến tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, ngày 11/3, sau trận động đất 9,0 richter.
 
 

Sóng thần đang tiến vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, gần lò phản ứng số 5, ngày 11/3/2011.


Xe hơi bị sóng thần cuốn trôi gần lò phản ứng số 5 của nhà máy.

Sóng thần ập vào bên trong nhà máy Fukushima I, ảnh chụp từ trên tầng 4 của tòa nhà chứa rác thải phóng xạ.
 
 
Nước sóng thần mang đến "quần đảo" nhà máy.


Nước biển bủa vây khắp các ngóc ngách của nhà máy.

 

Mực nước sóng thần mang tới dâng cao bên trong nhà máy Fukushima I.


Và khi nước bắt đầu rút đi.

Vụ giết 2 mẹ con ở Long An: Hé lộ kẻ sát nhân


- Ngày 15/5, Công an tỉnh Long An cho biết đang truy tìm hung thủ đã ra tay sát hại dã man 2 mẹ con chị Huỳnh Thị Chi (44 tuổi) ngay tại nhà ở ấp 1A, xã An Thạnh, huyện Bến Lức.
Thông tin ban đầu từ cơ quan công an cho biết, vào khoảng 21h ngày 14/5, một người bà con đến nhà tìm chị Chi thì phát hiện có 3 người nằm bất động trên sàn nhà.
Thời điểm đó, chị Chi nằm phía cửa sau, cháu Nguyễn Thị Trà (8 tuổi, con gái chị Chi) và chị Huỳnh Thị Quý (38 tuổi, em gái chị Chi) nằm ngay nhà trước, máu lênh loáng trên sàn nhà. Người dân hay tin đưa cả 3 đi cấp cứu nhưng chị Chi và cháu Trà đã chết, còn chị Quý được cứu sống. Vụ việc ngay sau đó được trình báo lên cơ quan công an.
Tại hiện trường, cơ quan Công an ghi nhận cả 3 đều bị nhiều vết chém trên người. Trong nhà, nhiều nơi bị lục tung đồ đạc nhưng chưa thấy mất thứ gì. Theo CQĐT, hung thủ có thể chưa kịp lấy tài sản thì bị phát hiện nên tẩu thoát.
CQĐT cũng đã thu giữ một số hung khí tại hiện trường và đang tiến hành làm rõ thêm vụ án.
- Theo CQĐT Công an tỉnh Long An, qua khám nghiệm hiện trường ban đầu cho thấy, nhiều nơi trong nhà bị lục nhưng tài sản không mất gì. Vì thế, nhiều khả năng đây không phải là vụ án giết người cướp tài sản.
Cho đến chiều tối ngày 17/5, CQĐT Công an tỉnh Long An vẫn đang tích cực cho lực lượng truy tìm hung thủ đã sát hại dã man hai mẹ con chị Huỳnh Thị Chi (44 tuổi, ngụ xã An Thạnh, Bến Lức) vào ngày 14/5 ngay tại nhà. Ngoài hai mẹ con chị Chi thì em gái của chị Chi là Huỳnh Thị Quý (38 tuổi) cũng bị chém bị thương nặng, hiện đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy.
Theo CQĐT, qua khám nghiệm thi thể của 2 người đã chết, phát hiện thấy chị Chi bị chém 7 nhát dao nằm ở phía cửa sau. Con gái chị là Trần Hoàng Hồng Trà (8 tuổi) bị chém 10 nhát nằm gục trên bàn ăn. Còn chị Quý cũng bị chém 7 nhát nằm gần tủ tivi.
Tại hiện trường lúc đó một số thiết bị vẫn còn hoạt động như máy tính, tivi… Hung khí mà CQĐT thu giữ được là một con dao bảng lớn và tấm thớt. Qua xác định ban đầu, 2 thứ này có thể được lấy từ trong bếp nhà chị Chi.
Trong khi đó, để có thêm các thông tin liên quan trước và sau khi 3 người bị sát hại, CQĐT đã cho triệu tập chồng chị Chi là anh Trần Văn Phương (46 tuổi) để làm rõ thêm. Anh Phương hành nghề lái xe ôm và lấy vợ cách đây khoảng 10 năm. Anh với chị Chi có một đứa con gái là cháu Hồng Trà.
Theo người nhà nạn nhân cho biết, trong cuộc sống thì chị Chi ít có mâu thuẫn với ai. Trong gia đình thì giữa 2 vợ chồng cũng có cãi vã nhau.
 
Hiện CQĐT đã có quyết khởi tố vụ án giết người để tiến hành điều tra làm rõ thêm.
Sau 5 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM, đến chiều 19/5, chị Huỳnh Thị Quí (37 tuổi) đã dần hồi phục, uống được nước cháo nhưng chưa nói chuyện được.
Chị Quí là nạn nhân của vụ sát hại dã man tại nhà riêng của vợ chồng chị Huỳnh Thị Chi và anh Nguyễn Thanh Phương (xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vào đêm 14/5 làm chết hai mẹ con chị Chi, riêng chị Quí bị chém 8 nhát dao.
Hàng xóm đến thắp nhang cho hai mẹ con chị Chi
 
Khi điều tra viên hỏi chị Quí có nhận diện được ai đã dùng dao chém mình hay không, chị Quí gật đầu và ra dấu là người có vóc dáng khá cao. Khi được hỏi thủ phạm có quen không, chị Chi cũng gật đầu và khóc. Do thấy sức khỏe chị chưa bình phục hẳn nên bác sĩ tạm thời không cho hỏi thăm thêm.
 
Liên quan đến vụ án, giám đốc công an tỉnh quyết định thành lập ban chuyên án và cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án giết người, tăng cường thêm một số trinh sát, điều tra viên của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH công an tỉnh tổ chức truy xét.
 
Riêng trường hợp của chồng chị Chi là Nguyễn Thanh Phương, cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập làm rõ thời gian đi lại, trong đó có việc chở một hành khách từ Bến Lức đi TPHCM vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ.

Động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ, 78 người thương vong


 Một trận động đất mạnh 5,9 độ richter đã làm rung chuyển miền tây Thổ Nhĩ Kỳ đêm qua, làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 75 người khác bị thương, truyền hình quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin.
 
Ảnh minh họa biểu đồ một trận động đất.
Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra lúc 11h15 giờ địa phương, cách thành phố Kutahya, thủ phủ tỉnh cùng tên, khoảng 80km về phía tây tây nam.
Ít nhất 6 cơn dư chấn, mạnh nhất là 4,6 độ richter, đã xảy ra sau trận động đất, cơ quan theo dõi động đất Kandilli của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Hãng thông tấn quốc gia Anadolu đưa tin toà nhà của một trường đại học tại Kutahya đã đổ sập sau động đất. Rất may không ai có mặt trong toà nhà khi động đất xảy ra.
Cơn địa chấn cũng làm rung chuyển các toà nhà tại Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, theo lời các nhân chứng.
“Tôi đang ở Istanbul và tôi đã cảm nhận được sự rung chuyển. Không ai bị thương tại Istanbul nhưng mọi người rất hoảng loạn”, Doruk Kocal viết trên mạng xã hội Facebook.
Tỉnh trưởng tỉnh Kutahya Kenan Ciftci cho biết ít nhất 75 người đã bị thương trong trận động đất. Một trong số các nạn nhân của động đất là một cụ bà 75 tuổi tại thành phố Bursa, người tử vong vì một cơn đau tim sau động đất.
Động đất thường xuyên xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này nằm trên các đường đứt gãy. Tháng 8/1999, một trận động đất mạnh 7,6 độ richter đã xảy ra ở miền tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, làm khoảng 18.000 người thiệt mạng và khiến nửa triệu người bị mất nhà cửa.

Admin

Thanks for joint