1/4/11

Cá vây tay hiện đại ở Indonesia.


Ngày 17-11, các nhà nghiên cứu đại dương Nhật Bản công bố tìm thấy và quay phim thành công một con cá vây tay hiện đại nhỏ dưới đáy biển sâu Indonesia. Đây là loài cá hiếm được biết với tên gọi "hóa thạch sống".
Theo các nhà nghiên cứu, "bé cá" vây tay hiện đại này được phát hiện hôm 6-10 tại độ sâu 161m ở vịnh Manado, đảo Sulawesi, Indonesia.
Đoạn phim cho thấy cá vây tay nhỏ dài 31,5cm, cơ thể có màu xanh với các đốm trắng bơi chậm giữa các khối đá trên đáy biển khoảng 20 phút.
“Theo chúng tôi biết, đây là lần đầu tiên cá vây tay còn sống được ghi hình. Nó còn ẩn chứa nhiều bí ẩn chúng tôi chưa khám phá hết” - nhà nghiên cứu Masamitsu Iwata công tác tại Viện bảo tàng hải dương học ở thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima, Nhật Bản nói.
Các nhà khoa học đã sử dụng thiết bị lặn biển điều khiển từ xa để quay phim "bé cá", họ hy vọng khám phá này sẽ làm sáng tỏ môi trường sống và thói quen sinh sản của cá vây tay hiện đại.
Cá vây tay (Coelacanth), có tên khoa học Latimeria chalumnae, được cho là đã tuyệt chủng vào kỷ Crêta. Những hóa thạch của chúng được tìm thấy ở tất cả các châu lục, trừ Nam cực, nhưng sự phân bố loài cá đặc biệt này không rõ ràng.

Nhưng sau đó, giới khoa học xôn xao khi vào năm 1938, một người đánh cá bắt được một con cá vây tay ngoài khơi bờ biển Nam Phi, vì thế nó còn được gọi là “hóa thạch sống”. Mãi cho tới gần đây, cá vây tay hiện đại vẫn chỉ được biết đang sống ở ngoài khơi Comoro, một quần đảo nhỏ nằm trong eo biển Mozambique, đông bắc Madagascar.
Cá vây tay trưởng thành có thể đạt chiều dài tới 2m, trọng lượng khoảng 90kg. Loài cá hiếm này được phân loại trong nhóm Cực kỳ Nguy cấp (Critically Endangered - CE) trong Sách đỏ năm 2007 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và được liệt kê trong Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật có nguy cơ bị đe dọa (CITES). Cá vây tay cái giữ trứng phát triển trong bụng và đẻ con.
Theo ARKIVE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Admin

Thanks for joint