29/5/11

Những khám phá mới về việc thuần hóa loài chó


Từ xa xưa, tổ tiên chúng ta đã biết cách thuần hóa các loài động vật, đem về nuôi để phục vụ cho nhu cầu của con người. Nhưng có lẽ không loài động vật nào có thể gần gũi và hữu ích đối với con người hơn loài chó. 
Mô tả ảnh.
Chúng được coi là những chiến binh dũng cảm trong các cuộc đi săn, những đầu máy kéo không biết mệt mỏi cho chiếc xe trượt tuyết dưới thời tiết giá lạnh và là người bạn tin cậy canh gác cho giấc ngủ của chúng ta vào ban đêm. Tổ tiên của loài chó nhà hiện nay chính là loài sói. 

Một nghiên cứu mới đây của giáo sư Peter Savolainen cùng các đồng nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ hoàng gia, Stockholm, Thụy Điển, đã đưa ra giả thuyết khiến nhiều người yêu quý loài chó cảm thấy không thoải mái. Giáo sư Savolainen cho rằng mục đích ban đầu của việc thuần hóa và nuôi dưỡng loài sói là để lấy thịt. 

Khi nghiên cứu DNA ti thể (những cấu trúc nằm bên trong tế bào, chuyển hóa năng lượng từ thức ăn thành dạng tế bào có thể sử dụng được. Mỗi tế bào chứa đựng hàng trăm đến hàng ngàn ti thể, nằm lơ lửng trong tế bào chất xung quanh nhân) của các giống chó trên toàn thế giới, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có vẻ như tất cả các giống chó hiện nay đều xuất phát từ một giống chó cổ được thuần hóa từ loài sói. Điều này đặt ra câu hỏi: Nếu như loài sói được thuần hóa ở nhiều nơi trên thế giới thì loài chó hiện giờ phải xuất phát từ nhiều dòng giống thay vì chỉ là một như phát hiện của nhóm nghiên cứu. 

Vùng phía nam Trung Quốc là nơi tập trung nhiều giống chó nhất trên thế giới và đây chính là lý do mà nhóm nghiên cứu của giáo sư Savolainen kết luận đây là nơi đầu tiên xuất hiện việc thuần hóa loài sói và cũng là quê hương của tất cả các giống chó hiện nay. Ông giải thích rằng, đối với bất cứ loài động vật nào, nơi có nhiều chủng loại nhất thường là nơi mà chúng xuất hiện đầu tiên, vì khi lan tỏa đi các nơi khác, tính đa dạng của chúng thường bị mất đi. 

Bằng cách thí nghiệm ti thể DNA, giáo sư Savolainen đã tìm ra quãng thời gian xuất hiện những con chó được thuần dưỡng đầu tiên – khoảng từ 11 nghìn đến 14 nghìn năm về trước, khi con người bắt đầu tập hợp nhau lại và thay thế dần săn bắt sang trồng trọt. Những tổ chức xã hội này có lẽ đã khá phát triển vì họ biết sử dụng rọ mõm hoặc thậm chí cả lồng, để thuần dưỡng loài sói. 

Ở Trung Quốc, thói quen ăn thịt chó đã xuất hiện từ rất lâu và khi khai quật các di chỉ cổ tại đất nước này, các nhà khảo cổ tìm thấy rất nhiều xương chó. Trên mỗi khúc xương đều xuất hiện những vết đánh dấu, có lẽ người cổ Trung Quốc đã sử dụng xương chó thay thế cho thân cây để ghi nhớ ngày tháng. 

“Có thể chính loài sói đã tự tìm đến con người khi chúng tìm thức ăn quanh các bãi rác tại nơi con người định cư” - Ray Coopinger, nhà nghiên cứu các giống chó thuộc trường đại học Hampshire, Massachusetts, đưa ra giả thuyết rằng, có thể khi đang tìm kiếm thức ăn quanh các bãi rác, loài sói đã bị bắt và mang về nuôi. “Và dựa vào phong tục ăn thịt chó của người Trung Quốc hiện tại thì có lẽ lúc đó, chúng được nuôi để lấy thịt” – Giáo sư Savolainen cho biết. 

Nhưng chỉ sau đó một thời gian rất ngắn, con người nhận ra giá trị của loài chó không chỉ dừng lại ở mức lấy thịt. Chúng bắt đầu được thuần hóa và nhanh chóng lan tỏa sang các lục địa khác. Chính vì không còn bị coi là nguồn thực phẩm, số lượng loài chó tăng lên nhanh chóng, chúng bắt đầu được sử dụng ở khắp mọi nơi vì khả năng canh gác cũng như kéo xe trượt tuyết. 
Mô tả ảnh.

Giáo sư Savolainen đã cùng với một nhà nghiên cứu người Trung Quốc tên là Jun-Feng Pang, thuộc Viện Nghiên cứu động vật học Côn Minh, viết bản báo cáo về những kết quả nghiên cứu này. Chỉ sau đó một tuần, bản báo cáo này đã được đăng trên thời báo Sinh Học Phân Tử và Sự Tiến Hóa (MBE). 

Năm 2002, giáo ưu Savolainen đã từng viết một báo cáo cho rằng loài chó đã được thuần hóa từ loài sói ở Đông Á, kết luận này đã bị phản bác ngay sau đó bởi nhóm nghiên cứu của trường đại học Cornell. Nhóm nghiên cứu này cho rằng số lượng giống chó xuất hiện ở các ngôi làng ở châu Phi cũng tương tự như ở Trung Quốc. 

Trong bản báo cáo mới này của mình, giáo sư Savolainen đã phản bác lại ý kiến của nhóm Cornell. Ông cho rằng những tính toán đó là không chính xác và thực tế là số giống chó ở Trung Quốc nhiều hơn so với ở châu Phi. 

Adam Boyko, thành viên trong nhóm nghiên cứu Cornell, nói rằng giả thuyết mà giáo sư Savolainen đưa ra có tính hợp lý nhưng không chắc chắn. Lý do mà ông đưa ra là có thể loài chó cũng đã được thuần hóa ở một nơi khác, rồi lan toản đi khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc. 

Stephen O’Brien, chuyên gia di truyền học của Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia Hoa Kỳ, nói rằng cuộc tranh cãi này đã tạo ra động lực thúc đẩy cho việc nghiên cứu về loài chó và gợi ý các nhà khoa học nên thí nghiệm cả gien của loài sói để làm rõ hơn vấn đề này. 

Thay vì chỉ nghiên cứu DNA ti thể như giáo sư Savolainen, một nhóm nghiên cứu của Hoa Kỳ hiện đang thực hiện việc nghiên cứu gien di truyền của cả loài chó và loài sói bằng một loại chip. Đầu tiên, nhóm này tập gien của hai loài này ra làm hai nhóm. Nhóm I bao gồm các kiểu gien của tất cả các loài chó và loài sói hiện nay. Nhóm II là những gien tìm thấy được trên những mẩu xương chó tại các địa chỉ khai quật. Con chip được lập trình để tìm ra gien ở nhóm I trùng với gien nào ở nhóm II. Kết quả hiện vẫn chưa được công bố nhưng có vẻ như nó trái ngược hoàn toàn với giả thuyết của giáo sư Savolainen. 

Sự tranh cãi về nguồn gốc của loài chó gần đây mới nhận được nhiều sự chú ý bởi vì các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu làm quen với khái niệm “gien khảo cổ” mà giáo sư O’Brien đưa ra. 

“Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới” – ông nói. “Điều chúng ta làm được mới chỉ là học cách nghiên cứu”. 

Khám phá việc thuần hóa chó và các loài động vật khác không chỉ mang đến những lợi ích thiết thực mà còn khám phá thêm về lịch sử của loài người. “Việc thuần hóa thực sự đã là đòn bẩy cho các nền văn minh có thể tổ chức ra những cộng đồng lớn hơn các gia đình” – giáo sư O’Brien nói. 

Sự có mặt ở khắp nơi trên thế giới là bằng chứng không thể chối cãi về sự hữu dụng của loài chó. Và theo những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học kết luận rằng chó là loài động vật đầu tiên được thuần hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Admin

Thanks for joint