21/5/11

Tranh cãi xung quanh “chất lạ” trong vàng

 - Vàng “bẩn” đã khiến thị trường vàng Việt Nam khủng hoảng. Đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho rằng “chất lạ” độn trong vàng là volfram. Trong khi đó, các chuyên gia Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam lại khẳng định điều ngược lại.

Gần đây, trên thị trường xuất hiện vàng độn gây hoang mang cho không ít doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng như người dân. Theo ông Vũ Minh Châu - Tổng Giám đốc công ty vàng bạc đá quý Minh Châu - loại vàng này có thể “qua mặt” được các loại máy đo vàng hiện nay. Nếu mua phải, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại không nhỏ.
Ông Vũ Minh Châu - Tổng Giám đốc công ty vàng bạc đá quý Minh Châu - khẳng định "chất lạ" trong vàng là volfram.
Ông Châu cho biết, loại vàng này có xuất xứ từ nước ngoài, tuy nhiên không thể khẳng định từ nước nào. “Vàng động phát hiện trên thị trường hiện nay chủ yếu là vàng khối, đóng mác thương hiệu quốc tế nhập vào Việt Nam qua đường xách tay. Cho nên, đối tượng bị kẻ gian lừa bán hiện nay mới dừng lại ở một số doanh nghiệp phân kim vàng. Chưa có người tiêu dùng nào mua phải loại vàng này.” - ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, kể từ khi xuất hiện, loại vàng độn này đã khiến cho thị trường vàng bị khủng hoảng, giảm khoảng 30-40% doanh thu. Riêng đối với Bảo Tín Minh Châu, con số được ông Châu đưa ra là 10-20%.
Vấn đề được dư luận quan tâm là chất gì đã làm “bẩn” vàng. Báo Tiền phong có đưa ý kiến của các chuyên gia Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam (VAST) cho rằng, chất bột phát hiện trong các mẫu vàng bị cho là làm giả thời gian gần đây không phải là volfram.
TS. Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Phân tích - Viện Hóa học, nhận định nếu hợp chất dạng bột kia thu từ vàng mà là vofram thì có nghĩa volfram được trộn với vàng chứ không thể để trong lõi của thỏi vàng được. Đặt trong lõi khối vàng thì chỉ có thể là volfram dạng cục.
Trường hợp trộn lẫn với vàng, TS Lợi cho rằng không khó để phát hiện thậm chí bằng mắt thường và volfram luôn có xu hướng nổi trên bề mặt do có khối lượng riêng thấp hơn vàng. Tại Viện Hoá học, các chuyên gia đã thực nghiệm với hàm lượng 10% volfram thôi, vàng đã đen xì.
Không thể phân biệt vàng nguyên chất và vàng độn volfram.
Trái ngược với ý kiến trên, ông Vũ Minh Châu lại khẳng định, “chất lạ” độn trong vàng chính là volfram. Minh chứng được ông đưa ra là 2 gói bột kim loại thu được từ quá trình phân kim vàng “bẩn” được gửi đi kiểm nghiệm tại Hồng Kông và Đài Loan đều cho kết quả giống nhau, thành phần chính là volfram, ngoài ra còn có một số kim loại nặng khác.
Ông Châu cho biết đã tiến hành thực nghiệm trộn volfram vào vàng với tỷ lệ lên tới 20%. Khi nung volfram với nhiệt độ nóng chảy của vàng (1.062oC), vàng sẽ nóng chảy và bao quanh hạt volfram (khi đó chưa đạt nhiệt độ nóng chảy). Hình thức tinh vi này sẽ tạo thành một lớp vàng bao bọc bên ngoài lõi volfram mà mắt thường không thể phát hiện ra. Miếng vàng trộn này cũng qua mặt máy đo tỷ trọng, máy phổ kế huỳnh quang tia X thông thường.
Chiều 20/5, ông Châu đã đưa ra 2 miếng vàng, 1 miếng nguyên chất và 1 miếng được trộn volfram. Bằng mắt thường, mọi người không thể phân biệt được 2 miếng vàng này.
Theo ông Châu, hiện một lọ chứa 100g volfram tinh khiết có giá khoảng 2,4 triệu đồng (tương đương với 100.000đ/chỉ volfram). Do đó, khi trộn volfram với vàng, kẻ gian có thể lấy cắp được 1đến 3 chỉ trong 1 cây. Với giá vàng ở mốc trên dưới 3,7 triệu/chỉ như hiện nay, kẻ gian có thể thu về một khoản lợi nhuận lớn, khoảng 10 triệu đồng/cây vàng.
Bên cạnh băn khoăn “chất lạ” trong vàng là chất gì, vấn đề dư luận quan tâm hơn là làm thế nào để nhận biết được vàng “bẩn”. Theo ông Châu, cách duy nhất hiện nay là phân kim để tính hàm lượng. Vàng được cán mỏng, cho vào dung dịch axit để phân kim.
Một cách khác được ông Châu đưa ra là cài đặt phần mềm nhận biết volfram và một số kim loại nặng khác cho máy phổ kế huỳnh quang tia X. Tuy nhiên, ông Châu cho hay, các máy phổ kế có thể làm được việc này thời gian tới mới có mặt tại Việt Nam. Hiện những máy đang được sử dụng ở các tiệm vàng là máy phổ kế thế hệ trước, không thể phát hiện được các kim loại nặng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Admin

Thanks for joint