21/5/11

Người dân “lảo đảo” qua cây cầu “rùng rợn”


 - Cây cầu treo ở thôn Ba Cẳng (Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) được làm từ năm 1991. Cầu (hoặc có lẽ không thể gọi là cầu) lưa thưa, nhỏ hẹp, chênh vênh, như một tấm lưới treo trên miệng Hà Bá…
Biết qua cầu là nguy hiểm nhưng hàng ngày người dân thôn Ba Cẳng vẫn bất chấp mạng sống mà di chuyển trên chiếc cầu này, bởi đây là cách giúp họ có thể qua bên kia bờ sông lao động, mưu sinh.

Mặt cầu treo Ba Cẳng chỉ là những cành cây lồ ô, các cây gỗ nhỏ đan lưa thưa qua những sợi dây thép được buộc ở hai gốc cây căng qua sông Chò. Do làm thủ công nên bà con phải thường xuyên sửa chữa bằng cách tự thay những cành cây mới vào những chỗ mặt cầu bị gãy, mục.

Thời điểm này, nhiều điểm trên mặt cầu đã trống hoác. Người dân nói họ lại sắp phải sửa chữa lại…

Ông Cao Minh Tuấn, Chủ tịch xã Khánh Hiệp, chia sẻ: “Bản thân tôi chứng kiến cảnh bà con qua cầu trong sự nguy hiểm đến tính mạng cũng rất lo lắng. Chúng tôi rất mong muốn có được một cây cầu khác chắc chắn hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên kinh phí của xã không đủ để xây dựng một cây cầu khác. Đi cầu này, nhiều tai nạn đã xảy ra, nặng thì gãy xương sườn, nhẹ thì gãy tay, gãy chân… nhưng bà con cũng phải chấp nhận chứ biết đi đường nào?”.

Thôn Ba Cẳng có 194 hộ, hầu hết thuộc dân tộc thiểu số như: Raglai, Êđê, Tày, Nùng, T’rin… Cây cầu này với họ đi mãi thành quen, chứ người lạ tới đây, nhìn qua thôi đã rợn tóc gáy.






























 
Công văn của UBND xã Khánh Hiệp gửi báo Dân trí 

Vừa qua, UBND xã Khánh Hiệp đã gửi công văn đến báo điện tử Dân trívới nội dung thiết tha đề nghị báo vận động bạn đọc, những nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng cho bà con thôn Ba Cẳng một cây cầu treo khác chắc chắn hơn, an toàn hơn, thay thế cho cây cầu treo “rùng rợn” hiện nay.

UBND xã  Khánh Hiệp cho biết, thôn Ba Cẳng có 194 hộ dân, trong đó có 98 hộ nghèo. Đây là thôn nghèo nhất của xã, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống còn khó khăn. Bà con thôn Ba Cẳng hầu hết sống nhờ vào nương rẫy. Muốn đi canh tác sản xuất, bà con phải qua sông Chò, mà con đường duy nhất là phải đi qua cầu treo tạm.

Năm 1991, UBND huyện có đầu tư (dây thép) và bà con trong thôn làm thủ công chiếc cầu treo, mặt cầu bằng cây lồ ô, để đi lại sản xuất canh tác trên diện tích 200 ha bên kia sông Chò. Do làm thủ công nên hàng năm bà con phải thường xuyên sửa chữa cầu bằng cách thay các cây gỗ nhỏ khác đã mục nát trên mặt cầu. Hiện nay cầu lại đang hư hỏng nặng gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của bà con.

Đã thế, qua những đợt mưa lũ, các cây trụ của hai đầu cầu (cây cầy và cây sao) đã bị nước làm xói 2/3 gốc cây, trong mùa lũ năm nay có nguy cơ bị cuốn trôi.

Anh Bo Bo Buông, người dân thôn Ba Cẳng, bày tỏ: “Nhà chúng tôi ở bên này sông nhưng đất đai ở phía bên kia sông. Hàng ngày đều phải qua chiếc cầu này để đi làm, gùi mì, gùi bắp bán lấy tiền nuôi gia đình, con cái ăn học đều phải qua sông. Huyện Khánh Vĩnh là huyện miền núi nên cũng khó khăn, xã tôi cũng nghèo nữa, nên rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ chúng tôi xây dựng một cây cầu mới”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Admin

Thanks for joint