6/6/11

Rồng Komodo 'không chồng mà chửa'


Ảnh: BBC.

Loài thằn lằn lớn nhất thế giới có khả năng sinh con mà không cần tới con đực. Các nhà khoa học đã ghi nhận 2 trường hợp rồng Komodo cái đẻ trứng tự lập.
Các cuộc xét nghiệm cho thấy trứng của chúng phát triển mà không cần thụ tinh bởi tinh trùng - một quá trình gọi là sự sinh sản đơn tính. Một trong những con bò sát, Flora, sống tại vườn thú Chester ở Anh, đang chờ mẻ trứng gồm 8 quả nở ra trong mùa Giáng sinh này.
Kevin Buley, Giám đốc sở thú kiêm đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Flora đã đẻ trứng vào cuối tháng 5 và với khoảng thời gian ấp là 7-9 tháng thì trứng sẽ nở ra vào mùa Giáng sinh này - một sự kết thúc tuyệt đẹp cho ca sinh nở đồng trinh".
Flora, chưa bao giờ được ở chung với một con Komodo đực nào, đã đẻ ra 11 quả trứng hồi đầu năm. 3 quả bị hỏng đã trở thành nguồn cung cấp vật liệu để xét nghiệm gene. Kết quả cho thấy những con non không hẳn mang phiên bản gene chính xác của mẹ (hình thức nhân bản), nhưng bộ gene của chúng là được lấy từ mẹ. Nhóm kết luận rằng đó là kết quả của sự sinh sản vô tính.
Một con rồng cái khác tên là Sungai được nuôi nhốt ở vườn thú London cũng sinh ra 4 con từ đầu năm - mặc dù lần tiếp xúc cuối cùng với con đực của nó là từ hơn 2 năm trước. Một lần nữa, cuộc xét nghiệm gene cho thấy rồng con Komodo được sinh ra từ sinh sản đơn tính. Tuy vậy, Sungai cũng có khả năng sinh sản hữu tính - nó đẻ một đứa con khác sau khi giao phối với con đực là Raja.
Richard Gibson, một tác giả nghiên cứu, nói: "Sinh sản đơn tính đã được ghi nhận trước đó ở 70 loài động vật có xương sống như rắn, cá, thằn lằn và gà gô, nhưng nó vẫn luôn được coi là một hiện tượng bất thường".
"Việc chúng tôi phát hiện thấy hiện tượng này ở 2 con rồng Komodo cái độc lập trong vòng 1 năm chứng tỏ sự sinh sản vô tính có thể phổ biến và rộng rãi hơn chúng ta từng biết" - Gibson nói.
Do những con vật này bị nuôi nhốt trong nhiều năm mà không được tiếp xúc với con đực nên chúng sinh sản đơn tính. Nhưng khả năng sinh sản đơn tính rõ ràng là một đặc điểm của tổ tiên để lại.
Gibson cho biết thằn lằn có thể đã phát triển khả năng sinh sản vô tính khi, chẳng hạn, một con cái cô đơn bị dạt lên hòn đảo mà không có con đực nào ở đó. Do đặc tính gene học của quá trình này nên những đứa con được sinh ra luôn là đực. Và giống như Sungai, cô nàng vẫn có thể quay về sinh sản hữu tính như thường, và vì thế nó có thể sản sinh ra một tập đoàn mới.
Có chưa tới 4.000 con rồng Komodo trong tự nhiên, trên 3 hòn đảo của Indonesia: Komodo, Flores và Rinca. Con đực trưởng thành có thể dài tới 3 m và nặng 90 kg - đưa chúng trở thành loài thằn lằn lớn nhất hành tinh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng để đảm bảo sự đa dạng gene của rồng Komodo, các sở thú nên cho con cái và con đực ở chung với nhau để tránh hiện tượng sinh sản vô tính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Admin

Thanks for joint